I. Các giống cà chua
1. Các giống cà chua phổ biến ở miền Bắc
Cà chua dây Đông Anh, cà chua múi, các giống cà chua Ba Lan xanh, Ba Lan trắng, Hồng Lan, HP5, P375, CV12, cà chua 95, cà chua lai,…
2. Các giống cà chua phổ biến ở cả 2 miền Bắc- Nam
Giống cà chua lai TN30, giống cà chua lai TN 24, giống cà chua lai TN 19, giống cà chua Red Crown 250, giống cà chua MV1.
II. Luân canh
Thực hiện chế độ luân canh hợp lý, không trồng cà chua trên đất mà cây trồng trước thuộc họ cà, đặc biệt là cây khoai tây.
Luân canh cà chua tốt nhất với cây trồng trước là lúa nước hoặc luân canh với cây rau.
III. Thời vụ
Cây cà chua có thể sinh trưởng, phát triển tốt trong vụ Đông ở vùng Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có thể gieo trồng từ tháng 9, tháng 10, kết thúc thời vụ trước tháng 12.
Ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Trung du Bắc Bộ, vụ cực sớm gieo vào cuối tháng 6. Vụ sớm gieo vào tháng 7- 8. Gieo trồng trong vụ sớm phải làm luống cao, tiêu nước tốt, che cho vườn ươm. Đặc biệt lưu ý trồng giống chịu nóng ẩm như giống MV1 thường được lên líp để trồng.
Chính vụ gieo vào tháng 9, trung tuần tháng 10, thu hoạch vào tháng 1- 2. Vụ này có năng suất cao nên được gọi là vụ thuận.
Vụ muộn gieo trồng cuối tháng 10 đến tháng 11, thu hoạch tháng 3, tháng 4 là lúc thị trường khan hiếm cà chua.
Thời vụ cà chua Xuân- Hè gieo giữa tháng 1, trồng cuối tháng 2, đầu tháng 3, thu hoạch vào cuối tháng 5 đến tháng 6, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào những ngày nắng, nóng.
Mùa mưa gieo hạt tháng 6- 7, thu hoạch tháng 8 - 9. đây là vụ nghịch cà chua.
IV. Đất và phân bón
- Đất trồng cà chua phải có thời gian để ải, thời gian ải tuỳ theo mùa vụ. Đất phải sạch cỏ dại, tơi xốp.
Trồng 1 hàng không nên làm giàn, tạo hình, chiều rộng luống từ 0,7 – 0,8 m.
Trồng 2 hàng cần làm giàn, tạo hình, chiều rộng luống khoảng 1,2 m.
Chiều cao luống từ 0,2 – 0,3 m tuỳ theo mùa vụ trồng.
- Phân bón:
+ Phân hữu cơ hoai mục 15- 20 tấn, thâm canh bón 30- 40 tấn cho 1 ha gieo trồng.
+ Phân vô cơ thương phẩm số lượng được quy đổi từ nguyên chất, đảm bảo bón cho 1 ha gieo trồng như sau:
Khối lượng N nguyên chất, từ 90- 120 kg.
Khối lượng P2O5 từ 60- 90 kg.
Khối lượng K2O5 từ 100- 120 kg.
Phương pháp bón:
Bót lót toàn bộ phân chuồng + lượng phân lân + 1/2 lượng phân Kali trộn đều trong đất bón vào hốc sâu 15- 20 cm trước khi trồng.
+ Thúc lần 1 (khi cây bén rễ): 1/3 lượng phân đạm.
+ Thúc lần 2 (cây ra hoa): 1/3 lượng phân đạm + 1/2 lượng Kali.
+ Thúc lần 3 (cây đậu quả): 1/3 lượng phân đạm.
V. Cây giống, vườn ươm
- Cây giống cà chua tốt có chiều cao trung bình 18- 20 cm, số lá từ 5- 6 (khoảng 25- 30 ngày sau khi gieo ở vườn ươm), thân và gốc cây mập, màu tím nhạt, có một lớp lông tơ mềm, không có sâu bệnh hại.
1 m2 vườn ươm gieo từ 2,5 – 3 gr hạt, mật độ sau khi tỉa cành khoảng 800- 900 cây. Nếu trồng với mật độ 1.000- 1.200 cây/ 1 sào Bắc Bộ (360m2), cần khoảng 150- 200 gr hạt (khoảng 27.750 – 33.350 cây/ha, cần 4,5- 5,4 kg hạt). Tuổi cây trồng vụ Đông 25- 30 ngày, trong vụ Xuân- Hè cần 35- 40 ngày.
Phải phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại cây con ngay trong vườn ươm. Tỉa bỏ những cây xấu, yếu ớt. Tỉa cây 2 đợt: lúc 2 lá và 4 lá thật. Khoảng cách cây sau khi tỉa 10- 15 cm.
Không bón phân cho cây trong vườn ươm để rèn luyện cây giống, tưới ít nước (đảm bảo độ ẩm đất 60%). Trước khi nhổ để trồng từ 7- 10 ngày không tưới nước, nhưng trước lúc nhổ 4- 5 giờ tưới đẫm nước để nhổ, tránh bị đứt rễ.
VI. Mật độ và khoảng cách
Trong mùa mưa hoặc đối với giống cà chua sinh trưởng vô hạn, cành lá xum xuê thì lên luống (líp) trồng 1 hàng, khoảng cách hàng 0,8m, cách cây trên hàng 0,5 m, mật độ 2,5 vạn cây/ha. Những giống sinh trưởng vô hạn, cành lá xum xuê phải trồng thưa hơn những giống sinh trưởng hữu hạn. Các giống có độ cao trung bình, cành lá sinh trưởng trung bình, thuộc loại sinh trưởng bán hữu hạn hoặc trồng trong mùa khô thì trồng 2 hàng trên luống, khoảng cách hàng từ 0,65- 0,7m, khoảng cách cây 0,4- 0,45m, mật độ 3,5 vạn cây/1ha.
Nói chung khoảng cách trồng cà chua: Cách hàng 70- 80 cm x cách cây 30- 40 cm.
VI. Chăm sóc
1. Xới vun
Xới vun: 2- 3 lần. Sau khi cây hồi xanh xới 1 lần. Sau trồng 25- 30 ngày xới lần 2 kết hợp vun đất vào gốc cho cây đứng vững.
Sau trồng 35- 40 ngày, trước khi làm giàn, dùng cuốc nạo vét đất ở rãnh, vun cao vào gốc cây. Sau khi làm giàn thì không xới nữa, diệt cỏ dại bằng dầm kết hợp với nhổ cỏ bằng tay.
2. Tưới nước
Hàng ngày tưới 1-2 lần, tuỳ thuộc theo độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết. Trước khi cây hồi xanh thì tưới bằng gáo, cách gốc 7- 10 cm. Khi cây bắt đầu sinh trưởng mạnh thì tưới rãnh có hiệu quả nhất. Khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 7- 10 ngày. Khi tưới đưa nước vào rãnh ngập 1/2 độ cao luống, nước thấm đều thì tháo cạn. Độ ẩm đất 70- 80% là thích hợp cho cà chua sinh trưởng, phát triển. Các thời kỳ phân hoá hoa, ra hoa nụ và thời kỳ có quả không được thiếu nước.
3. Làm giàn, tỉa cành, tạo hình
Những giống cà chua sinh trưởng vô hạn và sinh trưởng bán hữu hạn, cây cao, thân lá sinh trưởng mạnh, có nhiều nhánh, vì vậy nhất thiết phải làm giàn, tỉa cành, tạo hình.
Sau khi trồng 35- 40 ngày, phải tiến hành làm giàn sớm và kịp thời. Nguyên liệu làm giàn thường là trúc, nứa tép, cây điền thanh, cây đay giống. Có điều kiện thì làm giàn cọc bằng chất dẻo buộc dây nilon. Ở miền Bắc thường làm giàn chữ A.
Cây cà chua mỗi nách đều có chồi nách và đều có khả năng phát triển cành lá, ra hoa và đậu quả. Những cành ở gần chùm hoa thứ nhất, đặc biệt ở vị trí cành ngay dưới chùm hoa cho sản lượng tương đương so với cành ở thân chính. Vì vậy khi tỉa cành cần lưu giữ thân chính và 1 thân phụ dưới chùm hoa thứ nhất.
Số chùm hoa trên thân chính đối với giống thuộc loại hình sinh trưởng vô hạn rất nhiều từ 12- 20 chùm. Những chùm hoa ra sau thường không đậu quả hoặc quả nhỏ, không đạt tiêu chuẩn thương phẩm, chỉ nên để 7-9 chùm hoa. Số quả trên mỗi chùm hoa thường đạt 3- 4 quả. Nên tỉa bỏ những quả không phát triển bình thường, dị hình, quả nhỏ không đạt yêu cầu thương phẩm.
Chồi nách sinh trưởng rất mạnh vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao, cần tỉa bỏ kịp thời, 2- 3 ngày bẻ chồi 1 lần. Công việc này thực hiện cho đến khi cây già. Mùa khô lạnh 5- 7 ngày cần tỉa bỏ chồi 1 lần.
VII. Phòng trừ sâu bệnh
1. Bệnh mốc sương
Xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ từ 18- 200C, độ ẩm không khí cao, trời âm u, mưa phùn, thiếu ánh sáng thì bệnh càng phát triển. Vùng Đồng bằng Sông Hồng bệnh xuất hiện từ tháng 11, phát triển mạnh vào các tháng 1- 2.
Phương pháp phòng trừ: Khi bệnh xuất hiện cần hạn chế bón đạm, tăng cường bón Kali, hạn chế tưới nước. Khi cần thiết dùng dung dịch Booc đô nồng độ 1%, Zineb 80WP nồng độ 0,1%, liều lượng 2,5- 3kg thuốc/ha hoặc Ridomin MZ 72 WP nồng độ 0,1%, liều lượng 2- 3 kg thuốc/ha.
2. Bệnh héo xanh vi khuẩn
Bệnh gây hại ở vùng trồng cá chua trên tất cả các giống, giống cà chua Ba Lan và P375 bị bệnh nặng hơn. Bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 26- 300C, độ pH= 6,7 -7,2.
Luân canh cà chua với cây trồng nước hoặc cây trồng cạn khác bệnh giảm nhẹ hơn. Vi khuẩn có thể sống trong đất và quả của cà chua. Hiện chưa có thuốc đặc trị để trừ bệnh này, phương pháp phòng trừ chủ yếu là tạo giống chống bệnh, xử lý đất, thực hiện chế độ luân canh, thu gom tàn dư thực vật và các cây bệnh để tiêu huỷ. Tiêu độc những nơi cây bị bệnh bằng vôi bột hoặc nước vôi 15- 20%. Dùng thuốc Phygon nồng độ 1% để phun khi cây chớm bệnh.
3. Bệnh đốm nâu
Bệnh do nấm gây hại thân, lá, hoa, quả. Triệu trứng bệnh là những đốm màu nâu có vòng tròn đồng tâm trên những lá già và những vết lõm màu tối trên thân và trên quả. Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm.
Phòng trừ bằng kỹ thuật canh tác tổng hợp. Khi cần thiết dùng Zineb nồng độ 0,1, liều lượng 0,5 kg/1 ha vườn ươm hoặc 2- 3 kg/ 1 ha ruộng sản xuất hoặc dùng Booc đô nồng độ 1% để phun. Khi bệnh phát triển nặng dùng Benlate nồng độ 0,1% để phun.
4. Bệnh xoắn lá
Bệnh do viruts gây hại cây, thường sinh trưởng, phát triển kém và không cho quả, làm giảm năng suất, có khi bị thất thu. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 25- 300C, độ ẩm không khí cao. Bọ phấn và côn trùng là môi giới truyền bệnh và cũng có thể lây lan qua đường cơ giới trong quá trình tỉa cành, lá từ cây nhiễm bệnh sang cây khoẻ.
Phòng trừ bằng cách diệt bọ phấn triệt để tại vườn ươm bằng Shepar 25 EC nồng độ 0,1% hoặc Trebon 10 EC nồng độ 0,1% để phun. Nhổ bỏ cây bị bệnh và tiêu độc bằng vôi bột. Trồng giống cá chua có khả năng kháng bệnh xoắn lá như: MV1, CS1, Hồng Lan, TN19.
VIII. Thu hoạch và bảo quản
Các thời kỳ chuyển hoá giai đoạn chín của cà chua như sau:
- Thời kỳ quả xanh: Quả và hạt phát triển chưa hoàn thiện. Nếu thu hái quả vào lúc này và thông qua thúc chín tới thì quả không bình thường, không có hương vị, không có màu sắc đặc trưng của giống.
- Thời kỳ chín xanh chất keo bao quanh hạt được hình thành, quả chưa có màu hồng hoặc màu vàng. Nếu thúc chín thì quả sẽ thể hiện màu sắc của giống.
- Thời kỳ chín vàng: Đỉnh quả xuất hiện màu vàng hoặc màu hồng với diện tích bề mặt chiếm khoảng 10%.
- Thời kỳ chuyển màu: Diện tích bề mặt 10- 30%, có màu vàng hoặc đỏ.
- Thời kỳ quả chín hồng diện tích bề mặt 30- 60%, có màu đỏ nhạt hoặc vàng.
- Thời kỳ chín đỏ, diện tích bề mặt quả 90% có màu đỏ.
Từ khi chín xanh đến chín đỏ kéo dài khoảng 10- 12 ngày.
Khi thu hái quả, tránh va đập vì quả dập sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Cần duy trì độ ẩm không khí trong bảo quản từ 85- 90% để tránh hiện tượng quả héo. Người ta cho cà chua tiếp xúc với Ethylen 12- 18 giờ ở nhiệt độ 200C, thời gian chín có thể giảm 1/2 so với cà chua chín bình thường.
BBT
Tin liên quan:
- Kỹ thuật trồng tỏi theo hướng hữu cơ (30-05-2023)
- Cách xây dựng hệ thống tưới phun mưa cho cây tỏi (30-05-2023)
- Trồng và chăm sóc dưa hấu (18-05-2021)