Các loài bạch đàn được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930 và đến nay đã trở thành nhóm cây trồng chủ lực trong các chương trình trồng rừng tập trung và phân tán ở nước ta. Đến năm 2011, tổng diện tích rừng trồng bạch đàn ở Việt Nam là 353,000ha, chiếm 32% diện tích rừng trồng cả nước. Rừng trồng bạch đàn đã góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp giấy, ván dăm, gỗ trụ mỏ, gỗ xây dựng và đồ gỗ nội thất. Do đó đã cải thiện mức thu nhập và mức sống của người nông thôn ở các vùng đất thấp, đặc biệt là ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
 
Trong những năm gần đây, việc chọn tạo ra các giống lai và sử dụng trong trồng rừng là hướng đi mới có nhiều triển vọng và góp phần nâng cao năng suất rừng trồng. Trên thế giới, một số công trình nghiên cứu chọn tạo giống lai giữa các loài bạch đàn và nhân giống sinh dưỡng kết hợp với thâm canh rừng trồng đã đưa năng suất rừng trồng bạch đàn lên 30-40%. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1995 -2000, công trình nghiên cứu lai giống đã tiến hành cho các loài bạch đàn urô, bạch đàn caman và bạch đàn liễu và đã tạo ra hàng chục tổ hợp lai có ưu thế lai về sinh trưởng cao hơn giống bố mẹ. Trong giai đoạn 2006-2010, tiếp nối chương trình chọn tạo giống các loài bạch đàn, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (nay là Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp) đã xây dựng các chương trình chọn giống và các quần thể chọn giống thế hệ 2 cho bạch đàn urô và bạch đàn pellita. Bên cạnh đó, một chương trình chọn tạo giống lai giữa bạch đàn urô và bạch đàn pellita đã được thực hiện song song và đã tạo ra nhiều tổ hợp UP rất có triển vọng. Các tổ hợp lai này có sinh truứng vưọt trội từ 20 - 50% so với các giống bố mẹ cũng như các giống đối chứng U6, PNT4 trên các lập địa ở Ba Vì (Hà Nội), Nam Đàn (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị) và Bầu Bàng (Bình Dương).