Khi thời tiết giao mùa, thường xuất hiện các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, sốt, nhức đầu, ngạt mũi, ho, đau họng, đau nhức mình, trẻ nhỏ thường bị viêm phế quản, nếu biết cách chế biến và sử dụng những loại cây cỏ thiên nhiên có thể phòng tránh được nhiều bệnh.
 
Ăn uống đúng cách: Khi tiết trời lạnh nên ăn nhiều chất đạm và ăn nóng. Thức ăn nên chọn loại giàu chất dinh dưỡng. Chú ý chọn các loại rau quả tươi có nhiều sắc tố như cà rốt, cà chua, vừng, giá đậu, bí đỏ, bí xanh, ớt, cải xanh, cải bẹ, để tránh thiếu hụt các loại vitamin như A, B, C. Khi nấu ăn nên nêm thêm các thực phẩm có vị cay như ớt, hồ tiêu, gừng, hành, nghệ. Nên ăn các món được nấu chín mềm, như các loại canh thịt nấm mèo, canh gà, đun lâu lấy nước uống, hạn chế các thực phẩm đông lạnh hoặc cứng dai vì dễ gây tổn thương hệ tiêu hóa. Riêng người già cần chú ý bồi bổ để tránh suy nhược do thiếu chất dinh dưỡng. Mùa này đang là mùa lựu vì vậy có thể ăn thêm loại quả này vì dịch quả của lựu nhất là lựu đỏ cung cấp lượng vitamin C cao gấp 4 - 5 so với cam, chanh, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, ngoài ra còn ngăn ngừa các trường hợp sưng amiđan, viêm họng hạt.
 
Sử dụng thảo dược thiên nhiên
 
- Nếu có ho, sốt, đau họng: Lấy húng chanh (rau tần), gừng tươi, tắc, vỏ quýt, tất cả thái nhỏ, chưng với đường phèn, uống ngày 2 - 3 lần.
 
- Nếu cảm cúm, đau nhức mình: Dùng tía tô, kinh giới, hương nhu trắng hoặc tía, sả, lá tre, đồng lượng 10 g sắc nước uống lúc còn ấm. Có thể thêm lá ngũ trảo, lá ngải cứu, lá tre, lá long não, lá tràm, đun sôi rồi xông sẽ hạ sốt và sát trùng đường hô hấp.
 
- Uống nước gừng trước khi đi ngủ, canh gừng nóng sẽ giúp toát mồ hôi, giải cảm, hoặc ăn cháo gừng, hành, tiêu ăn nóng sẽ nhanh chóng dứt cảm cúm. Đây là phương thuốc cổ truyền hiệu quả nhất để trị cảm cúm.
 
- Uống nước chanh nóng pha đường phèn hoặc pha với mật ong giúp giảm đau họng và nâng cao hệ miễn dịch.
 
- Uống thêm canh đại táo, uống ngày 2 - 3 lần, chữa kém ăn, suy nhược.
 
- Uống nước sắc rễ cây cam thảo đất, chữa đau họng khan tiếng và cảm cúm.
 
- Ngậm gừng tươi cũng rất tốt. Đặc biệt người Nam Phi thích uống bia gừng để trị cảm cúm. Họ bỏ 2 muỗng mật ong, nước chanh và gừng tươi vào 1 cốc bia, tiếp tục cho thêm vài giọt dầu khuynh diệp vào cốc bia rồi từ từ uống. Loại nước uống này có tác dụng làm giảm cảm giác đầy bụng, khó chịu, ngạt mũi, đau họng, ho, cảm cúm.
 
Nước hoắc hương, gừng tươi: Có tác dụng giải biểu, hòa vị, dứt nôn, thích ứng với chứng phát nhiệt, sợ lạnh, buồn nôn, khắp người khó chịu. Lấy hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Hoắc hương rửa sạch thái ngắn, Gừng tươi rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương và gừng tươi vào cùng và đổ 300ml nước đun sôi 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ vào khuấy tan, uống nóng.
 
Nước quế chi: Thích hợp với người ngoại cảm phong hàn, đau đầu, sốt, ra mồ hôi, thở khò khè, nôn khan. Lấy quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30g. Rửa sạch các vị trên cho vào nồi đổ 500ml nước nấu sôi trong 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ khuấy tan, uống nóng.
 
Cháo gừng hành: Có tác dụng ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích hợp dùng cho người đau đầu, sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, tâm phiền, buồn nôn. Lấy gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối 5g. Cho gạo nấu thành cháo nhừ, gừng thái hạt nhỏ, hành cắt khúc ngắn. Cháo chín nhừ cho hành, gừng đã thái nhỏ khuấy đều mang ra ăn nóng.
 
Món bối mẫu, trứng gà:
 
Có tác dụng ích khí, nhuận phế, chỉ khái (hết ho), hóa đàm, thích hợp trị phế hư ho suyễn lâu ngày, đờm nhiều, khí đoản, ngại nói (lãn ngôn), chóng mặt, tim đập nhanh. Cần bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng hay sấy khô, tán thành bột mịn. Sau đó khoét một lỗ nhỏ ở đầu quả trứng gà cho bột bối mẫu vào lấy giấy dán bịt kín lỗ trứng lại, đặt trứng đứng trong bát (lỗ bịt để lên trên), cho cả bát vào nồi chưng cách thủy 15 phút đem ra ăn. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 30 ngày liền.
 
Nước rau mùi, củ cải, hành tươi: Có tác dụng trừ phong hàn, chữa cảm mạo. Rau mùi 30g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi thái ngắn, hành củ thái nhỏ, củ cải thái miếng. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng.
 
Nước nho, gừng: Chữa phong hàn, trị ho. Nho tươi 100g, gừng tươi 30g, chè xanh 10g, mật ong 20g. Nho rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước, Gừng tươi rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch pha hãm với nước sôi chắt lấy nước. Sau đó đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước chè xanh, mật ong rồi khuấy đều uống lúc nóng. Chia 3 lần trong ngày, uống liền 3 – 5 ngày.
 
Nước nhân hạt bí đao, đường đỏ: Có tác dụng chữa ho, viêm họng, nhuận phổi. Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ 30g. Nhân hạt bí đao rửa sạch giã nát, rồi trộn nhân hạt bí đao này với đường đỏ. Khi sử dụng cho vào hãm với 300ml nước sôi rồi chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, cần uống 5 – 7 ngày liền./.
 
BS. Hoàng Xuân Đại