I. Kỹ thuật cắt tỉa cành và vệ sinh vườn
Hàng năm sau khi thu hoạch cần phải tiến hành vệ sinh toàn diện, cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, các cành đan chéo nhau, đồng thời cần loại bỏ những cành vượt trong thời gian cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Chú ý cần khử trùng dụng cụ kéo, dao... bằng nước Javel hoặc cồn 700 trước khi tỉa cành, tạo tán từng cây một.
II. Kỹ thuật bón phân
Để đảm bảo có năng suất cao và chất lượng quả tốt cần bón đầy đủ phân hữu cơ và cân đối giữa các loại phân khoáng như đạm, lân và kali.
Toàn bộ lượng phân bón tuỳ thuộc vào tuổi cây và sản lượng quả dự kiến thu hoạch ở thời kỳ khai thác được chia làm 4 lần bón trong năm. Lần 1: sau thu hoạch quả bón toàn bộ lượng phân hữu cơ, lân, vôi bột và 40% đạm, 30% kali. Đợt bón này có tác dụng giúp cây phục hồi, thúc cành xuân và thúc hoa. Lần 2: tháng 4, 5 khi quả đạt kích thước 3-4cm bón 30% đạm, 20% kali. Lần 3: tháng 7, 8 thúc lộc thu và tăng trọng lượng quả bón 30% đạm, 20% kali. Lần 4: một tháng trước khi thu hoạch bón 30% kali nhằm tăng độ đường cho quả.
- Phương pháp bón: Bón sau thu hoạch: rạch rãnh xung quanh theo hình chiếu của tán (rộng 30cm, sâu 20 cm), rắc toàn bộ phân hữu cơ và các loại phân khoáng vào rãnh rồi lấp đất kín. Bón thúc nuôi quả: bón theo rãnh, rãnh sâu 10cm, rộng 15cm theo hình chiếu của tán. Mỗi lần bón phân đều phải kết hợp với làm cỏ, xới xáo, tủ lại gốc và tưới ẩm cho cây.
Nếu có điều kiện có thể dùng đậu tương hạt hoặc cá tép, ốc ngâm một thời gian cho thối nhuyễn, sau đó pha loãng để tưới thường xuyên cho cây để nâng cao sức sinh trưởng, năng suất và chất lượng quả cam.
Lưu ý: ở những năm đầu của thời kỳ kinh doanh cây cam có xu hướng sinh trưởng sinh dưỡng mạnh nên cần kiểm tra vườn và nếu cần thiết cần có biện pháp điều chỉnh giảm lượng phân đạm và khoanh hãm cây ở thời điểm tháng 4 đến tháng 5 để hạn chế ra lộc hè nhằm giảm tỷ lệ rụng quả non.
III. Phòng trừ một số đối tượng sâu, bệnh chính hại cam trong vụ Xuân.
Tùy vào thời vụ và giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mà thành phần sâu bệnh và mức độ gây hại có khác nhau. Ở thời kỳ kinh doanh, trong vụ Xuân - Hè cần lưu ý phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại như sâu vẽ bùa, các loài nhện hại lá, quả non; xén tóc đục thân, đục cành; bệnh loét, sẹo hại lá, quả và đặc biệt là có biện pháp phòng chống tái nhiễm Greening và Tristeza.
Để phòng trừ sâu bệnh hại cam cần áp dụng biện pháp quản lý cây trồng và quản lý dịch hại tổng hợp (ICM, IPM). Khi kiểm tra vườn thấy xuất hiện mật độ cao thì tiến hành phun thuốc hóa học để phòng trừ: sử dụng dầu khoáng hoặc một trong các loại thuốc như Decis 2,5EC, Trebon 10EC phun trừ sâu vẽ bùa sớm từ khi lộc dài 1-2cm; Actara 25WG, Oshin 10WP phun trừ rầy chổng cánh trong các đợt lộc; Regent 800WP, Cofidor 100SL, Suprathion 40EC phun trừ các loài rệp hại cam. Đối với bệnh sẹo, phun phòng khi cây sắp ra lộc xuân, sau rụng hoa, thời kỳ quả non bằng một trong các loại thuốc gốc đồng như Boocđô 1-2%, Dupont Kocide 53.8DF, Copper Zinc 85 WP, Benlat 50WP, Champion 37,5FL. Các loại thuốc trên pha theo chỉ dẫn trên bao bì để phun.
Phun thuốc hóa học khi cần thiết và phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách) để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc và bảo vệ thiên địch tự nhiên.
Ngọc Trung (TH)
Tin liên quan:
- TP Bắc Giang: Trồng đào ghép trên gốc đào cổ thụ nâng cao giá trị cây đào (11-11-2022)
- Kỹ thuật trồng cây cảnh thủy canh (03-07-2020)
- QUY TRÌNH TRỒNG RAU THEO PHƯƠNG PHÁP THỦY CANH (15-06-2020)