1. Nhiệt độ :
 
Hoa hồng thích hợp khí hậu á nhiệt đới và ôn đới. Nhiệt độ thích hợp cho hoa hồng 18 – 250C. Nhiệt độ trên 380C và dưới 80C sẽ ảnh hưởng đến cây.
 
Nhiệt độ thấp quá cây sẽ sinh trưởng chậm, cành nhánh phát triển kém, nụ hoa mo lại không nở hay chậm.
 
Nhiệt độ cao quá và kéo dài ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của hoa.
 
Nhiệt độ trong đất cũng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây. Cây hoa hồng thích hợp điều kiện “đất ấm” sẽ kích thích hút nước và dinh dưỡng cho cây. Biện pháp quan trọng dể cải tạo chế độ nhiệt trong đất là bón nhiều phân hữu cơ.
 
2. Độ ẩm :
 
Hoa hồng thích hợp ẩm độ đất 65 – 70% và ẩm độ không khí 80 – 85%
 
Nếu ẩm độ đất thấp cây hồng sẽ thiếu nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và ra hoa.
 
Nếu ẩm độ đất cao cũng gây ảnh hưởng đến hút dinh dưỡng của hệ rễ và dễ phát sinh nấm bệnh từ đất.
 
Ẩm độ không khí cao (vụ mưa) làm cây dễ phát triển bệnh.
 
3. Ánh sáng :
 
Hoa hồng thích điều kiện ánh sáng dồi dào. Do đó nếu canh tác hoa hồng trong nhà có mái che cần chú ý đến độ cao và dàn che, chất liệu mái lợp để có thể tận dụng đầy đủ ánh sáng.
 
Khi cây còn nhỏ đòi hỏi cường độ ánh sáng thấp khi cây lớn cần ánh sáng nhiều hơn.
 
Thiếu ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến ra hoa và độ cứng cành hoa, năng suất thu hoạch sẽ giảm thấp.
 
4. Đất đai :
 
Hoa hồng thích hợp đất giàu chất hữu cơ hàm lượng mùn cao, đất cần tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt. Tầng đất canh tác lý tưởng 40 – 50 cm, đất thịt nhẹ. Nếu ở chân đất sét hay thịt nặng cần cải tạo bằng phân hữu cơ, tro trấu với khối lượng cao hơn trước khi canh tác.
 
Độ pH thích hợp 6 – 6,5. Để duy trì pH ổn định đối với hoa hồng là cây lưu niên nên bón thúc vôi bổ sung mỗi năm ít nhất ba lần.
 
5. Dinh dưỡng: Cây hoa hồng đòi hỏi dinh dưỡng dồi dào đầy đủ đa, trung vi lượng, phân vô cơ nên bón cung cấp ít nhưng nhiều lần trong chu kỳ sinh trưởng, phân hữu cơ, phải dồi dào đảm bảo lượng mùn trên 5% để đạt yêu cầu thâm canh.
 
6. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa Hồng
 
+ Thời vụ: Hoa Hồng  thuộc loại cây lưu niên, có thể trồng quanh năm, nhưng ở các tỉnh phía Bắc thời vụ trồng tốt nhất là vào tháng 2 - 4 hoặc tháng 9 - 10.
 
+ Mật độ: Hoa Hồng bố mẹ đánh ụ khoảng cách giữa các luống ụ là 1,2 -1,5m cây cách cây 1,0 -1,2m.
 
+ Đất trồng: Đất thích hợp cho cây là đất thịt nhẹ hoặc đất thịt pha cát, đất cao, thoáng, không bị ngập nước, pH 5,6 - 6,5.
 
+ Làm đất: Làm đất kỹ, lên luống cao trước khi trồng, rạch hàng sâu khoảng 30cm, rãnh sâu 40cm, mặt luống rộng 70cm. Nếu đất chua nên rắc thêm vôi bột để khử chua.
 
+ Kỹ thuật trồng: Sau khi cây đủ tiêu chuẩn trồng đưa ra vườn sản xuất  khi đất đã được chuẩn bị và bón phân lót đầy đủ. Nên trồng vào lúc chiều mát, tay trái giữ cây, tay phải vun đất nhỏ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay để cho cây đứng thẳng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong tưới nước thật ẩm để làm chặt gốc và giữ cho cây khỏi đổ. Vào mùa hè trồng xong nên che cây bằng lưới đen hoặc phủ rơm rạ để tăng tỷ lệ sống cho cây.
 
+ Phân bón: lượng phân bón lót cho 1ha từ 25 - 30 tấn phân chuồng + 300kg đạm Urê + 500 – 600 kg Supe lân + 250 - 300kg Sunphát kali + 400kg vôi bột.
 
+ Cách bón: Bón sâu cách mặt luống 15 – 20cm. Sau trồng 2 -3 tháng cần định kỳ 2 - 3 tuần bón thúc 1 lần cho cây với liều lượng 30kg phân hữu cơ đã ngâm ủ hoai + 5 - 7kg phân vi sinh + 3kg đạm ure hoà tưới cho 1 sào Bắc Bộ/ 360m2. Ngoài ra cần phun bổ sung phân bón lá hoặc phân vi lượng cho cây như Thiên Nông, Antonik, Futonik….
 
 Các biện pháp chăm sóc khác
 
 - Tưới nước: Do bộ lá của cây hồng to và rộng nên cây cần rất nhiều nước. Nên tưới vào lúc sáng sớm hoặc lúc chiều mát, không nên tưới quá muộn nước đọng trên bề mặt lá dễ gây sâu bệnh, nhất là các loại bệnh nấm. Có thể tưới ngập 2/3 rãnh, sau khoảng 2 -3 giờ thì rút hết nước ra. Nếu tưới phun trên mặt luống, thì cần chú ý giữa 2 hàng cây nên tạo 1 rãnh nhỏ để hạn chế bớt lượng phân chảy ra ngoài
 
- Kích thích sự ra hoa: Có thể sử dụng các loại kích phát tố hoa trái của công ty Thiên Nông, Hải Tiên, Minh Đức, ProGibb, Pomior..  để kích thích mầm chồi phát triển, gia tăng sự trổ hoa, phòng chống thui hoa.
 
     Phòng trừ sâu bệnh hại hoa hồng
 
- Xử lý đất trước khi trồng, có hệ thống tưới tiêu tốt, cây giống sạch bệnh, ruộng trồng thông thoáng
 
- Thường xuyên tỉa bỏ cành nhánh già, sâu bệnh, vệ sinh xung quanh ruộng hồng
 
- Tăng cường sử dụng các các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học để bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng
 
   Bệnh hại hoa hồng
 
- Bệnh đốm lá: Vết bệnh thường có hình thoi hoặc hình tròn nhỏ, màu xám nâu, xuất hiện ở mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, chóng rụng, cây cằn cỗi, sinh trưởng kém. Bệnh thường phát sinh và phát triển ở những nơi có độ ẩm cao và những ruộng có hiện tượng thiếu lân, do đó cần chăm sóc chu đáo kết hợp với phun thuốc trừ nấm như Score 250EC 6 - 8ml/10lít, Ridomil 72WP 25-30g/10lít, Topsin - M70NP nồng độ 5 - 10g/bình 8 - 10 lít nước.
 
- Bệnh thán thư: Vết bệnh thường hình tròn, nhỏ, màu nâu vàng, xuất hiện từ mép lá, chót lá hoặc giữa phiến lá. Giữa vết bệnh hơi lõm màu xám trắng, xung quanh có gờ nhỏ màu nâu đỏ, trên mô bệnh có nhiều chấm nhỏ màu đen là đĩa cành của nấm gây bệnh. Bệnh phát triển mạnh khi có độ ẩm cao, vườn không thông thoáng. Cắt bỏ lá vàng, phun thuốc diệt nấm 7 - 10 ngày phun 1 lần bằng Topsin 70NP 5 - 10g/10 lít, Daconil 500SC, Anvil 5SC 3 - 5ml/10 lít.
 
- Bệnh đốm đen: Vết bệnh là những điểm nhỏ, dạng hình bất định, màu nâu đen. Hại chủ yếu trên lá, làm lá bị thối và rụng. Bệnh có thể thành dịch trong điều kiện ẩm độ cao (giọt nước, giọt sương, mưa phùn) và nhiệt độ thấp (trên dưới 20oC). Vì vậy cần chú ý theo dõi phát hiện sớm để phòng trừ, có thể phun Daconil 500SC nồng độ 0,2%, Zineb 3/2000 hay Benlat 1/2000.
 
- Ngoài ra còn một số loại khác bệnh như bệnh phấn trắng dùng Anvil 5SC liều lượng 1 lít/ha hoặc Score 250 ND 0,2- 0,3 lít /ha. Bệnh đốm nâu Score 250ND hoặc Anvil 5EC, Roval WP nồng độ 0,15%. Bệnh gỉ sắt dùng Zineb 80WP nồng độ 20- 25g/bình 8- 10 lít nước hoặc Anvil 5SC. Bệnh lở cổ rễ thối gốc dùng Vida 3SC liều lượng 1- 1,5 lít/ha (10- 15ml/bình 8- 10 lít nước).
 
     Côn trùng hại hoa hồng
 
- Nhện đỏ: Có kích thước rất nhỏ như đầu kim, cư trú ở mặt dưới lá, làm cho lá héo và rụng. Dùng thuốc hoá học Ortus 5EC, Malathion hoặc Komite phun 1 lít/ha.
 
- Bọ trĩ: Là loại côn trùng châm hút rất nhỏ, dài khoảng 1 - 2mm, màu vàng nâu, nâu nhạt hoặc nâu đen, chúng di chuyển nhanh và rất khó phát hiện, làm lá hoa biến dạng và ngừng phát triển. Dùng Malathion, Sumicidin 10 - 15g/8 lit, Kelthane 10 - 15 ml/10lít, 1 tuần/lần.
 
 - Ngoài ra còn một số loại sâu hại khác như Rệp dùng Karate 2,5EC 5-10 ml/bình,  Thioral 10-15ml/ bình8l.Sâu xanh, Sâu khoang, Bọ trĩ, Bọ xít xanh …cần phát hiện kịp thời để phòng trừ sớm, có thể dùng Supracide 40ND với liều lượng 1-1,5 lít/ha (10- 15ml/ bình 8- 10 lít nước), Politrin P440 ND 8- 10 ml/ bình hoặc Ofatox 400EC pha 8-10 ml/ bình phun ướt đều trên mặt lá./.
Nguyễn Tươi
Quy trình kỹ thuật được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài:
“Xây dựng mô hình thử nghiệm trồng và nhân giống một số giống hoa Hồng chất lượng cao tại Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang”