Trong nhiều năm trở lại đây, Danh Thắng (Hiệp Hòa - Bắc Giang) được biết đến là một trong những địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đóng vai trò nòng cốt và tạo ra động lực quan trọng ấy không thể không nhắc đến hoạt động khuyến nông cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên khuyến nông ở các thôn - những cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm giàu hiệu quả nhất, bởi họ là “nông dân dạy nông dân”.
 
Để tuyên truyền hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng, đưa những giống mới vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Kiệm - cộng tác viên khuyến nông của thôn Đại Đồng 2 đã thường xuyên đi đầu trong thực hiện các mô hình do khuyến nông tổ chức. Vụ đông 2011, chị đã tham gia mô hình khoai tây chế biến Alantic, với quy mô 5 ha. Do được hỗ trợ về vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, được bao tiêu sản phẩm nên gia đình chị thu lãi trên 45 triệu đồng/ha khoai tây. Mặc dù giá khoai tây năm 2012 giảm mạnh nhưng mô hình khoai tây Alantic ở Danh Thắng vẫn thu lãi, làm lợi cho nông dân hơn 500 triệu đồng. Người nông dân đã thực sự tin tưởng vào hoat động của khuyến nông, nhất là khi chính đội ngũ cộng tác viên khuyến nông trực tiếp ứng dụng kỹ thuật, xây dựng mô hình trên thửa ruộng của nhà mình, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Vụ xuân năm nay khuyến nông Danh Thắng triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khá thuận lợi, đặc biệt là mô hình khảo nghiệm giống lúa An Dân 11. Trong khi người dân Danh Thắng đã quen với giống lúa chủ lực Khang Dân 18 nhưng khi khuyến nông xã chủ trương đưa giống lúa này vào thử nghiệm, để dần thay thế KD 18 thì người dân đều đồng thuận, hưởng ứng. Hiện nay 5 ha được gieo cấy bằng giống lúa này đang phát triển, sinh trưởng tốt và được cộng tác viên khuyến nông theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình sâu bệnh.
 
Ông Vũ Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Danh Thắng cho biết: Xã Danh Thắng hiện có 8 thôn với tổng diện tích canh tác 480 ha. Người dân trong xã phần lớn có trình độ thâm canh cao, nhất là với những cây trồng được coi là thế mạnh của xã như cây lạc, cây đậu tương, cây khoai tây. Do đó, đòi hỏi đội ngũ khuyến nông cấp xã, cấp thôn phải có trình độ đáp ứng yêu cầu hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Ngoài cán bộ khuyến nông xã có trình độ Đại học thì xã Danh Thắng cũng chủ trương lựa chọn những cộng tác viên khuyến nông thôn đã có bằng cấp hoặc qua các lớp đào tạo về chuyên môn trồng trọt và chăn nuôi. Toàn xã hiện có 8 cộng tác viên khuyến nông thôn và hầu hết đều có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. UBND xã Danh Thắng đánh giá cao vai trò của đội ngũ này, bởi điều đó thể hiện ở hiệu quả mà đội ngũ này mang lại.
 
Được thành lập từ năm 2009, đội ngũ cộng tác viên khuyến nông thôn của xã Danh Thắng có 8 người, phụ trách ở 8 thôn trong xã, gồm hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù phụ cấp hàng tháng còn ít ỏi, chỉ với 40 nghìn đồng/tháng nhưng đội ngũ cộng tác viên khuyến nông thôn đã phát huy tinh thần trách nhiệm thường xuyên bám sát đồng ruộng, cùng làm và trực tiếp hướng dẫn người nông dân các kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi theo cách của nông dân. Do đó người nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất. Nhờ bám sát đồng ruộng, cùng làm với người dân nên cộng tác viên khuyến nông có thể nắm bắt, phát hiện ra những biểu hiện của sâu bệnh một cách kịp thời, ngay cả với những biểu hiện, triệu chứng nhỏ nhất. Theo anh Đỗ Hà Giang - cán bộ khuyến nông xã Danh Thắng thì từ khi xã có mạng lưới khuyến nông thôn, hoạt động khuyến nông ở xã vừa được bao quát ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Không chỉ phát hiện kịp thời mà đội ngũ này còn có thể hướng dẫn trực tiếp người dân các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới ở biểu hiện ban đầu. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua tình hình sâu bệnh trên cây trồng, ở Danh Thắng đã giảm rõ rệt từ 40 - 50% so với trước khi chưa có mạng lưới khuyến nông thôn. Bên cạnh việc nắm chắc tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, đội ngũ khuyến nông thôn còn tạo cầu nối hiệu quả trong việc cung ứng kịp thời các loại giống, vật tư tới người nông dân và phối hợp với đội ngũ thú y viên tuyên truyền người dân, nhất là các hộ chăn nuôi tập trung thực hiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn vật nuôi theo định kỳ.
 
Với những hiệu quả rõ rệt, xã Danh Thắng nhận thức muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là khi xã đang tích cực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì không thể thiếu hoạt động của đội ngũ khuyến nông và mạng lưới cộng tác viên khuyến nông thôn. Do đó, trong thời gian tới xã Danh Thắng tiếp tục trích nguồn kinh phí từ sự nghiệp phát triển nông nghiệp để tăng phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên khuyến nông lên từ 80 đến 90 nghìn đồng/người/tháng, tương đương với mức phụ cấp cho trưởng đoàn thể cấp thôn. Từ đây sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực để đội ngũ cộng tác viên khuyến nông ở Danh Thắng phát huy hiệu quả, thực sự là cầu nối, bạn đồng hành tin cậy của người nông dân trong phát triển sản xuất, chăn nuôi./.
 
Phương Nhung