xã Phi Mô (Lạng Giang - Bắc Giang), ai cũng biết đến anh Nguyễn Quang Luyện (SN 1976) - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Đầu tư Trường Thành. Bằng ý chí và quyết tâm, Luyện bước đầu thành công trên con đường lập nghiệp và trở thành một trong những doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực dệt may của huyện Lạng Giang.
 
Năm 1999, Nguyễn Quang Luyện tốt nghiệp đại học, ra trường về làm việc ở một doanh nghiệp (DN) lớn của tỉnh. Những năm tháng làm việc ở đây, Nguyễn Quang Luyện đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Năm 2003, sau quá trình phấn đấu, anh được kết nạp vào Đảng, sau đó được đề bạt làm Phó phòng Nhân sự - tiền lương. Từ lúc là nhân viên cho đến lãnh đạo cấp phòng, anh miệt mài làm việc, tham mưu kịp thời cho Ban giám đốc về nhân sự, kế hoạch công việc theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, dù đang là Phó phòng của một DN lớn, anh vẫn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ tự tay gây dựng cơ nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Quyết là làm, sau thời gian tích luỹ kinh nghiệm, anh trở về quê nhà tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất. Qua xem xét, anh nhận thấy khu ruộng ở cống Lịch, cạnh đường 1A thuộc thôn Đại Phú II (cụm công nghiệp Phi Mô) liền kề với ruộng của gia đình, là địa điểm lý tưởng để thực hiện ước mơ. Năm 2008, anh làm thủ tục thành lập Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Đầu tư Trường Thành.
 
Sau khi tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, tháng 9/2010, công ty triển khai xây dựng hạ tầng gồm: Nhà điều hành kiêm kho chứa hàng, 400 m2 nhà xưởng, hơn 400 thiết bị máy móc. Công ty tuyển và đào tạo công nhân, ngày 20/6/2011 đi vào sản xuất. Gần 500 cán bộ, nhân viên và công nhân cần mẫn làm việc, sản phẩm chính là áo zắc-két, áo bông nhồi, áo lông vũ, quần soóc, quần âu xuất khẩu. Đi vào sản xuất, vốn tự có ít, lại đúng vào dịp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về siết chặt tiền tệ, nhiều DN bị đình đốn sản xuất, Nguyễn Quang Luyện rất lo. Bởi đằng sau anh là hàng trăm lao động, liên quan đến thu nhập của chừng ấy gia đình. Anh cùng với hội đồng quản trị tháo gỡ từng bước, nhằm ổn định tổ chức và phát triển sản xuất. Khi mới hoạt động, DN nhận hoàn toàn nguyên, phụ liệu do đối tác cung cấp. Sau những lô hàng đầu tiên, khách hàng hoàn toàn tin tưởng và đã chỉ định các nguồn hàng trong nước để tỷ lệ nội địa hoá chiếm 60%, còn lại do nước ngoài cung cấp. Mỗi tháng, công ty làm ra lượng sản phẩm tương đương 40.000 áo zắc-két quy đổi, doanh thu gia công tại chỗ đạt 120.000 đến 150.000 USD, tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động với mức thu nhập 2,5 - 2,6 triệu đồng/ người/tháng. Lao động có tay nghề cao thu nhập đạt hơn 4 triệu đồng/tháng. Hầu hết công nhân của công ty đều là lao động của các xã trong huyện Lạng Giang như: Phi Mô, Xương Lâm, Yên Mỹ.
 
Trong lúc khó khăn, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Đầu tư Trường Thành luôn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ và tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự đồng hành của gia đình. Anh thường nói với người thân: “Làm giàu riêng cho bản thân mình không khó, nhưng tạo điều kiện cho anh em, con cháu và người làng việc làm lâu dài mới là điều trăn trở”. Thực vậy, trong công ty hiện nay có 8 người họ hàng và hơn 40 lao động ở thôn Tân Thành. Ngoài ra, với trách nhiệm của một đảng viên, của doanh nhân, anh và hội đồng quản trị thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
 
Bằng bản lĩnh của một người đảng viên, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Nguyễn Quang Luyện đã biến ước mơ thành hiện thực ngay trên quê hương mình./.
 
Thân Văn Phương