Đó là cách gọi thân mật mà nhiều người dành cho nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Văn Thắng (phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang). Anh đến với cây cảnh không phải bởi giá trị kinh tế mà do niềm đam mê, tình yêu thiên nhiên của mình.
 
Đến với nghệ thuật trồng và ghép cây cảnh từ năm 1992 bằng lòng say mê, yêu thích cây cỏ, anh Thắng là một trong những nghệ nhân khởi đầu phong trào chơi cây cảnh bon sai ở thành phố Bắc Giang. Đến gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, tôi thấy ngay trong sân là hàng chục chậu cây cảnh với dáng thế độc đáo. Anh Thắng hồ hởi: “Nhà báo vào uống nước đã rồi ra thăm vườn sau. May quá hôm nay tôi được nghỉ chứ mọi khi giờ này tôi cũng đi làm”. Vừa nhấm nháp chén trà nóng hổi, vừa ngắm những chậu cây cảnh được cắt tỉa cẩn thận, tôi thực sự ấn tượng về khu vườn này bởi nó không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn chứa đựng niềm đam mê, yêu thích thiên nhiên của người nghệ nhân sinh vật cảnh. Được biết, trước đây anh Thắng làm nghề lái xe, do có niềm đam mê về cây cảnh nên trong các chuyến đi anh thường xuyên tìm kiếm những cây nhỏ, lâu năm, có dáng lạ về trồng. Đó là con đường đưa anh đến với nghề trồng cây cảnh. Hễ có thời gian rảnh là anh lại đi sưu tầm cây về trồng, sưu tầm những khối đá đẹp, hình dáng độc đáo để kết hợp với từng dáng, thế cây. Nhờ vậy, khu vườn nhỏ của anh trở nên xanh tốt, trong lành như một khuôn viên thu hẹp. Trên mỗi chậu cảnh, anh đều thiết kế những khối đá thành những hang động, suối nước chảy róc rách… tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Anh Thắng tâm sự: “Cây cảnh được du nhập từ Nhật Bản, Trung Quốc. Những năm đầu chơi cây cảnh, tôi rất khó tìm tài liệu nghiên cứu về nghệ thuật này, chủ yếu là học hỏi, tham khảo kinh nghiệm qua sách báo và tìm đến các tỉnh thành như: Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên... để học hỏi cách trồng, tạo thế cho cây”. Được biết, mỗi cây khi được anh chọn về trồng đều có một dáng cơ bản nhưng chưa rõ nét nên cần uốn sửa để đưa vào một thế mỹ thuật. Thời gian tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi người nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì, bình quân phải mất từ hai đến ba năm đối với cây nhỏ và từ 5 đến 10 năm đối với cây lớn. Yếu tố để người chơi cây cảnh thành công chính là có cái nhìn, tư duy sáng tạo trong tạo hình để thổi hồn vào tác phẩm, làm cho tác phẩm trở nên sống động.
 
Đến năm 2005, anh nghỉ lái xe chuyên tâm vào chăm sóc cây cảnh và trở thành hội viên Hội Sinh vật cảnh thành phố Bắc Giang. Vừa biết quay chậu cảnh, vừa có kỹ thuật tạo thế, cắt tỉa cây theo những dáng đẹp, anh Thắng đã nhanh chóng trở thành thành viên nòng cốt của hội và giúp nhiều anh em trong hội phát triển vườn cây cảnh theo hướng vừa chơi cây, vừa kinh doanh đem lại thu nhập cao. Bất cứ cây nào khi mới mang về đều được anh cắt, uốn cành để tạo thế, những cành không hợp sẽ được cắt bỏ, rồi dùng dây để tạo thế, mất vài năm như vậy cây mới thành hình. Anh giải thích cho tôi các thế cây mới tạo, tường tận từng gốc, thân, cành, lá… Khu vườn rộng đủ các loại “kỳ hoa dị thảo”, nhiều dáng cây cổ thụ bám chặt vào đá. Anh cho biết cây hoa giấy cổ có dáng thác đổ đã được trao huy chương vàng khi tham gia triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2010. Tại triển lãm lần ấy có nhiều người đến xem như dán mắt vào cây, có người muốn anh sang tay nhưng anh không đồng ý. Theo anh, người chơi cây cảnh có đẳng cấp, muốn thành công phải thực sự đam mê, làm cho cây có hồn. Cây đã đẹp vẫn cần làm cho đẹp hơn về dáng thế, phát triển theo phong cách riêng. Bởi vậy, không phải ai trả giá cao anh cũng bán, mà anh chỉ muốn bán tác phẩm tâm huyết của mình cho những người "sành" để cây cảnh được chăm sóc, phát triển tốt hơn và mình có thêm kinh phí để theo đuổi niềm đam mê.
 
Khi thăm vườn, được nghe anh kể về nghệ thuật và thú chơi cây mới thấy sự đam mê, kiên trì, khéo léo của những người chơi cây cảnh. Một cây cảnh “độc” phải bảo đảm các yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ, nghĩa là phải già, kỳ dị, lạ, có giá trị mỹ thuật cao. Cây phải có dáng đẹp, cành nhánh cân đối theo một trong 4 thế: trực, siêu, hoành, huyền. Rễ càng xù xì càng đẹp. Thân cây phải theo nguyên tắc nhỏ dần từ dưới lên trên. Cành phải sắp xếp từ lớn đến nhỏ và không được trùng nhau. Cây cảnh đẹp không chỉ ở dáng mà cần biết kết hợp với chậu. Chậu phải phù hợp với dáng để tôn thêm nét đẹp của từng loài. Một tác phẩm được gọi là tương đối hoàn thiện là một cây già nua cổ kính, còn giữ nét hoang sơ, đường nét dịu dàng gợi lên được sự rung động mỹ cảm của người ngắm. Trong đó, dáng thế của cây là phần quyết định. Chuyện tạo hình cây cảnh cũng chẳng đơn giản chỉ là nghệ thuật cắt tỉa bởi mỗi khi nghe tin bão lớn về là anh lại phải nghiên cứu cách chống bão cho từng cây. Nếu không cẩn thận thì mất không công sức cả chục năm trời. Nuôi một cành cây nhìn thì đơn giản nhưng mất cả năm mới được một nhát cắt, chục năm mới thành hình. Vậy mà bị gió bẻ gãy thì quả thật là đáng tiếc.
 
Chăm sóc cây cảnh phải cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì. Chơi cây cảnh cũng như nhiều thú chơi khác, ngoài niềm đam mê, có tâm trong sáng, cần có những hiểu biết về cây. Thế quần thụ thể hiện sự đoàn kết, sung túc, sum vầy; thế bạt phong thể hiện ý chí mạnh mẽ, dù bão táp phong ba nghiêng ngả cũng không lay chuyển ý chí; thế phụ tử, mẫu tử, huynh đệ tượng trưng cho tình cảm gia đình. Dáng trực thể hiện tính quân tử, cương trực; dáng huyền, siêu nói lên sự mềm dẻo, khéo léo… Xem cây cũng phần nào biết được tính người là vậy. Việc nghiên cứu tỉ mỉ về các loài cây đã khiến anh Thắng không chỉ là một nghệ nhân mà còn là chuyên gia về cây cảnh.
 
Với tâm huyết của mình, vừa qua anh Nguyễn Văn Thắng đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Anh đã “thổi hồn” vào từng dáng cây để làm đẹp cho cuộc sống. Mong muốn của anh là ở Bắc Giang ngày càng có nhiều người đến với cây cảnh hơn nữa, vừa như một thú chơi lành mạnh, vừa là một cách phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
 
Nguồn Báo Bắc Giang