Thực hiện phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới", nhiều thanh niên nông thôn đã phát huy tính năng động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Làm giàu từ vac
 
Mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Hữu Tình ở thôn Phấn Lôi, xã Thắng Cương (Yên Dũng) được nhiều bạn trẻ đến học tập kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp vùng chiêm trũng sang nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lớn lên trên mảnh đất ven sông Cầu, quanh năm chỉ cấy được một vụ lúa nên Tình luôn nung nấu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Dưới chân ruộng trũng, Tình chỉ cấy một vụ lúa còn lại thả cá, nuôi gia cầm. Với 5 mẫu ruộng thầu, Tình tập trung dồn điền, đổi thửa, đắp đập, be bờ thành ao nuôi trồng thuỷ sản. Mỗi năm, gia đình thu hoạch được 10 tấn thóc, một tấn cá, nuôi 3 con trâu, gần một nghìn con vịt đẻ và 150 con lợn thịt cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh còn theo học lớp trung cấp thú y để nâng cao kiến thức chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài việc chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình, Tình còn tích cực giúp đỡ các bạn trẻ trong xã tìm hướng làm giàu.
 
Sôi nổi với các hoạt động phong trào, tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, Tình được Ban chấp hành Đoàn xã tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã. Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, anh được Huyện đoàn Yên Dũng tuyên dương danh hiệu thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2012.
 
Tổ hợp may đào mỹ
 
Nguyễn Đức Sơn (SN 1983) là chủ nhiệm tổ hợp may thanh niên xã Đào Mỹ (Lạng Giang). Được thành lập năm 2010, cơ sở may có 13 công nhân chuyên nhận may đo quần áo theo mẫu, bảo hộ lao động, đồng phục theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, cá nhân. Với số vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng, Sơn đã mua sắm trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng phục vụ dây chuyền sản xuất. Mỗi ngày, cơ sở may có thể hoàn thiện khoảng 300 sản phẩm. Chịu khó khai thác thị trường, anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng có giá trị lớn, nguồn hàng ổn định, với tổng doanh thu ước đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Năm 2012, Sơn đã tăng mức lương cho công nhân từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng, tạo công việc ổn định cho nhiều lao động địa phương. Giữ chữ tín với khách hàng nên tổ hợp may luôn chú trọng tới từng đường kim, mũi chỉ của sản phẩm. Khi khách hàng lựa chọn mẫu, cơ sở sẽ may đúng với yêu cầu. Sơn nhớ lại: "Trong lúc thiếu vốn nhất thì tổ chức đoàn đã tạo điều kiện giúp tổ hợp sản xuất Đào Mỹ vay 120 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho thanh niên. So với tổng số vốn đầu tư phát triển tổ hợp sản xuất thì số tiền tổ chức đoàn cho vay tuy không nhiều nhưng rất đúng thời điểm, góp phần tháo gỡ khó khăn, trở ngại giúp tổ hợp phát triển".
 
Tổ hợp may của Sơn là một trong 10 mô hình được Tỉnh đoàn Thanh niên tuyên dương mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu trong Tháng Thanh niên 2012.
 
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ
 
Năng động, sáng tạo, Nguyễn Văn Toàn, thôn Trung Đồng, xã Đức Thắng (Hiệp Hoà) trở thành chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ khi còn rất trẻ tuổi. Hiện nay, cơ sở sản xuất của Toàn có 80 loại sản phẩm khác nhau được trưng bày ở gian phòng rộng để khách hàng lựa chọn. Với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, cơ sở sản xuất đồ gỗ của Toàn tạo việc làm thường xuyên cho 30 thanh niên và nhiều lao động mùa vụ. Bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo, Toàn đã thành lập tổ thiết kế mẫu đồ gỗ phù hợp với cuộc sống, tiện dụng và sang trọng. Toàn đi khắp nơi tìm học những kỹ thuật chạm khảm tinh xảo của những nghệ nhân có tiếng trong nghề; tập trung đào tạo, rèn giũa tay nghề cho công nhân; gấp rút chuẩn bị ra mắt sản phẩm…Để có cơ hội làm ăn lớn, anh quyết định mở rộng sản xuất, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ hàng mỹ nghệ cao cấp để phát triển ra thị trường. Toàn chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn coi trọng chữ tín, nâng cao ý thức xây dựng thương hiệu. Làm sao để khách hàng mua được sản phẩm bền, đẹp, hợp thị hiếu…”. Bằng cách làm này, cơ sở luôn duy trì được hoạt động sản xuất, tạo việc làm thu nhập ổn định cho người lao động, từng bước tạo uy tín, thương hiệu đồ gỗ trên thị trường.
 
Anh Toàn là một trong ba thanh niên Bắc Giang được đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2012 cho những thanh niên nông thôn có nhiều đóng góp phát triển kinh tế địa phương.
 
Minh Thu