Giờ đây, về xã Dĩnh Trì hỏi những hộ phụ nữ có thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm không còn là chuyện hiếm. Những người phụ nữ ở xã ven thành phố Bắc Giang đã nhanh chóng bắt nhịp với cơ chế thị trường, năng động tìm tòi phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương cho thu nhập cao, cải thiện đời sống.
 
Đến thăm cơ ngơi của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhan ở thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, chúng tôi bị choáng ngợp bởi ngôi nhà ba tầng xây kiểu biệt thự nổi bật giữa thôn Thuyền. Ngay cạnh đó là xưởng ô tô hoàng tráng của anh chị rộng 3.000 m2 với hệ thống nhà xưởng, cơ sở vật chất trị giá nhiều tỷ đồng. Thật khó có thể hình dung nổi chủ của gia tài lớn này đã khởi nghiệp từ nghề đồng nát với bao gian khó, nhọc nhằn. Chị Nhàn tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề “mổ ô tô” được hơn chục năm nay. Trước đó, tôi cũng như đa phần người dân thôn Thuyền bao năm chuyên đi đổi kẹo kéo, mua bán sắt vụn khắp nơi. Thế rồi thấy có người trong làng mua ô tô cũ về phá ra bán giúp đời sống khá giả, tôi đã làm theo. Giờ thôn Thuyền có hơn 50 hộ dân làm nghề “mổ ô tô”. Gần như đã thành “thương hiệu”, tất cả ô tô bị hỏng, cũ, nát ở khắp nơi người ta đều mang đến đây bán. Sau khi mua về, các “lò mổ ô tô” sẽ tùy theo hiện trạng từng chiếc xe mà tháo tung ra, xem bộ phận nào còn dùng được thì bán cho các lái xe tái sử dụng, cũng có khi họ sửa chữa lại những chiếc ô tô hỏng hóc ít rồi bán lại cho khách. Còn những bộ phận không dùng được thì bán đồng nát, sắt vụn…Gần như không phải bỏ đi cái gì. Hộ chị Nhàn thường xuyên thuê 2-3 công nhân làm giúp. Giờ đây khách hàng khắp các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đều tìm về thôn Thuyền mua, bán ô tô cũ, mới. Nhờ đó, đã giúp người dân thôn Thuyền giàu lên nhanh chóng. Thôn không còn hội viên phụ nữ nghèo.
 
Chị Nguyễn Thị Hương - chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Thuyền cho biết: Thôn Thuyền có 170 hội viên phụ nữ, trong đó có hơn 50 gia đình hội viên làm nghề kinh doanh, buôn bán ô tô. Hầu hết đời sống gia đình hội viên phụ nữ thôn đều khá giả với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Riêng những hộ làm nghề “mổ ô tô” thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thường. Bên cạnh nghề “mổ tô tô”, phụ nữ nơi đây còn sản xuất đồ mộc dân dụng, trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao, cho thu nhập cao, đời sống khá giả.
 
Chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Thuyền là một trong những hộ như thế. Tiếp chúng tôi trong cơ ngơi rộng rãi, thoáng đãng nằm ở cuối thôn Thuyền vừa làm chỗ ở, vừa làm xưởng mộc sản xuất của gia đình, chị Huệ bộc bạch: Gia đình tôi gắn bó với nghề mộc đã 20 năm nay. Song đến năm 2011, tôi mới mở rộng quy mô sản xuất và thành lập doanh nghiệp sản xuất đồ mộc. Xưởng mộc của vợ chồng chị Huệ trang bị các loại máy móc hiện đại như: Máy cưa, máy xẻ, máy tiện, máy bào,.. để sản xuất theo quy trình khép kín, bảo đảm hoàn thiện sản phẩm từ A đến Z. Anh chị thường xuyên thuê gần chục công nhân làm với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng của chị Huệ chuyên sản xuất đồ mộc phục vụ cho gia đình và các cơ quan công sở như: Giường, tủ, bàn, ghế, thiết bị nội thất,…Từ nghề mộc đã giúp gia đình chị Huệ có cuộc sống sung túc, nuôi các con ăn học. Anh chị còn mua đất làm nhà ba tầng khang trang ở mặt phố và đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng trị giá hàng tỷ đồng.
 
Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm hộ phụ nữ năng động, làm giàu ở Dĩnh Trì. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Dĩnh Trì cho biết: Xã Dĩnh Trì hiện có 1.799 hội viên phụ nữ ở 12 chi hội. Hội phụ nữ xã coi việc giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Từ đó, Hội đã huy động các nguồn vốn cho chị em vay như: Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của xã có hơn 70 triệu đồng được giao cho các chi hội quản lý cho những hội viên phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi. Đặc biệt, Hội phụ nữ xã đang quản lý hơn 6,5 tỷ đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 343 hộ phụ nữ vay. Ngoài ra, tại các chi hội còn xây dựng các mô hình “ống tiền tiết kiệm”, “hũ gạo tiết kiệm” để giúp những chị em hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Hội còn vận động được hơn 140 chị em khá giả giúp 208 chị em hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi hơn 343 triệu đồng cùng nhiều ngày công và cây, con giống. Từ những đồng vốn vay và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp, phụ nữ Dĩnh Trì đã phát triển đa dạng ngành nghề như: Trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, buôn bán, sản xuất đồ mộc,… giúp đời sống không ngừng được cải thiện. Hiện xã có hơn 80% hộ hội viên phụ nữ có đời sống khá giả, chỉ còn 61 hộ phụ nữ nghèo. Đặc biệt, xã có 8 hội viên phụ nữ đã thành lập doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh ô tô, đồ mộc dân dụng với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
Không chỉ năng động tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ xã Dĩnh Trì còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương như: Đóng góp ủng hộ các loại thuế, quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì trẻ em,..Chị em là nòng cốt trong các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao. Hầu hết các thôn trong xã đều có CLB bóng đá nữ, CLB văn nghệ của phụ nữ. Ngoài thời gian sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho gia đình, phụ nữ Dĩnh Trì còn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần. CLB bóng đã nữ xã Dĩnh Trì là một trong những đơn vị mạnh của thành phố, chị em từng có mặt trong các giải thi đấu bóng đá lớn của tỉnh.
 
Chia tay những người phụ nữ năng động của xã Dĩnh Trì, chúng tôi càng khâm phục bản lĩnh của những người phụ nữ không cam chịu đói nghèo, đã vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Đồng thời chị em còn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, để ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội ./.
 
Hải Yến