Những ngày cuối tháng mười một này về xã Hoàng An huyện Hiệp Hòa gặp gỡ những hộ chăn nuôi gà trong dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm” do trường Đại học nông lâm Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang triển khai, chúng tôi vô cùng phấn khởi bởi mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ông Bùi Văn Thạnh thôn An Cập, xã Hoàng An cho biết, khi đang loay hoay giữa cơn bão dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông không biết phải phát triển kinh tế bằng cách nào. Đúng lúc đó ông nhận được thông báo của UBND xã Hoàng An về việc phát triển chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học, ông mạnh dạn đăng ký tham gia. Tham gia dự án các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn như cải tạo hệ thống chuồng trại, làm tường bao và hàng rào xung quanh khu vực chăn nuôi, thực hiện chế độ nuôi khép kín đối với từng dãy chuồng, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại trong suốt quá trình nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi… Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng khoảng 2,3 kg/con, với giá bán buôn tại hộ 70.000 đồng/kg, gia đình ông Thạnh thu lãi khoảng 50.000 đồng/con. Nuôi 1.000 con thời điểm này sẽ cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lứa.
 
Cùng tham gia dự án tại xã Hoàng An, gia đình ông Nguyễn Văn Tược cho biết, từ khi tham gia mô hình gia đình cũng học hỏi được nhiều kỹ thuật mà từ trước tới nay chưa biết đến như việc ghi chép sổ sách trong quá trình chăn nuôi. Tham gia dự án việc bắt buộc đối với các hộ là phải ghi chép nhật ký chăn nuôi, từ ngày nhập gà, ngày dùng vắc-xin và giao cám…, đến việc thất thoát đầu con đều được ghi chép cẩn thận. Ghi chép đã góp phần giúp các hộ chăn nuôi hoạch toán lỗ lãi một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt đây là dự án phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi nên các hộ tham gia được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hàng tuần hàng tháng đều có cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Trường Đại Học Nông lâm và Công ty cám Hải Thịnh về tư vấn kỹ thuật kịp thời nên đàn gà phát triển rất tốt, gia đình rất yên tâm trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Tược tâm sự, từ trước tới nay khi chăn nuôi gà gia đình hoàn toàn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng tham gia dự án, đại diện của dự án cũng đã thông báo rõ sẽ thu mua sản phẩm khi các hộ gặp khó khăn trong quá trình xuất bán... Tuy nhiên, thời điểm này giá thịt lợn tăng cao kéo theo các mặt hàng khác cùng tăng theo trong đó phải kể đến sản phẩm thịt gà. Hiện nay giá gà lông đã đạt đỉnh điểm 70.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.
 
Ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa khẳng định, dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã thực sự đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, góp phần làm thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con địa phương.  Để động viên khích lệ bà con chăn nuôi Trung tâm đã thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gà thả vườn của các hộ tham gia mô hình. Dự kiến trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sang các xã lân cận trên địa bàn huyện.