Trong những năm qua Hội Nông dân thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã phối hợp với cán bộ khuyến nông làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hội viên trong tổ chức Hội.
 
Hoạt động của Hội là thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trong chăn nuôi, cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh và những kinh nghiệm hay trong trồng trọt, qua đó nâng cao nhận thức của các hội viên trong quá trình sản xuất. Qua thực tế hoạt động, Hội Nông dân thị trấn thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả và được các thành viên hăng hái tham gia. Nhiều hội viên đã làm giàu từ các mô hình trang trại, gia trại trên mảnh đất quê hương.
 
Tiêu biểu như gia đình hội viên Hoàng Thanh Khiêm ở thôn Yên Ninh, với mô hình trang trại chuyên ấp nở và nuôi úm gà con bằng giống gà lai Hồ. Ông Khiêm mua con giống ở Viện Chăn nuôi, con trống thì xuống làng Hồ thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh để lựa chọn. Ông Khiêm đã cho con gà trống Hồ lai với gà mái Lương Phượng để tạo ra con lai khỏe mạnh; lớn nhanh, sau 3 tháng nuôi, gà mái đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg/con, gà trống đạt 4 - 4,5kg/con; chất lượng thịt thơm ngon; mẫu mã đẹp được thị trường ưa chuộng. Hiện gia đình ông Khiêm có 300 con gà bố mẹ, mỗi ngày đẻ khoảng 200-210 trứng, số trứng này phục vụ trực tiếp lò ấp nên gia đình ông không phải nhập trứng từ bên ngoài. Ông Khiêm cho biết, ông xuất ra thị trường loại gà 1 ngày tuổi hoặc nuôi úm khoảng 23-25 ngày. Với giá bán trên 7.000 đồng/con đối với gà 1 ngày tuổi, 24.000 – 25.000 đồng/con đối với gà nuôi úm, ước tính mỗi năm gia đình ông thu khoảng 200- 250 triệu đồng. Theo ông Khiêm, gà nuôi úm thì hiệu quả kinh tế cao hơn so với gà 1 ngày tuổi. Mùa hè nuôi úm rất nhanh, khoảng từ 21- 23 ngày là được một lứa còn mùa đông thì có thể kéo dài hơn một vài ngày.
 
Ngoài số gà bố mẹ, gia đình ông Khiêm còn có 800 con gà Lương Phượng hậu bị để tháng 10 thay đàn khi đã hết giai đoạn đẻ rộ. Hỏi về bí quyết chăn nuôi, ông Khiêm cho hay: “Trong chăn nuôi, yếu tố kỹ thuật phải đặt lên hàng đầu. Trước hết là con giống, phải được lựa chọn kỹ lưỡng, chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, do đó vấn đề dịch bệnh được bảo đảm.” Sau nhiều năm nuôi gà, ngoài kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân tự tìm tòi học hỏi thì hàng năm ông còn được tham gia nhiều lớp tập huấn do Hội Nông dân và khuyến nông tổ chức. Đến nay, mặc dù đã ở độ tuổi gần 70 nhưng ông Khiêm vẫn là một trong những hội viên nhạy bén với việc làm kinh tế, là hội viên điển hình trong Hội Nông dân thị trấn Nếnh. Nhiều năm liền ông đều được các cấp Hội, UBND thị trấn Nếnh và huyện Việt Yên tặng giấy khen hội viên sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
 
Tương tự, mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên Đỗ Văn Tiền - chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Ninh Khánh, cũng là một trong những mô hình điển hình. Hiện gia đình ông Tiền đang làm nghề xay xát gạo, nấu rượu, nuôi lợn và mở đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông đã tận dụng những phụ phẩm thừa từ máy xát và nấu rượu để nuôi lợn. Hiện ông đang có 2 con lợn nái siêu nạc, 20 con lợn thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng và 2 đàn lợn con. Ông Tiền cho biết, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ tìm hiểu cách thức chăn nuôi tiên tiến qua sách, báo và các lớp tập huấn do các đơn vị tổ chức nên đã giảm được rất nhiều rủi ro. Khi thấy biểu hiện của dịch bệnh ông thường mời cán bộ thú y đến để thăm khám cho lợn.
 
Một đại diện tiêu biểu khác của Hội, đó là ông Nguyễn Hữu Toàn ở thôn Sen Hồ. Với 3 sào đất mầu chuyên trồng các loại hoa cúc, mỗi vụ ông thu lãi 12 triệu đồng/sào. Hết vụ hoa vừa rồi ông lại chuyển sang trồng dưa lê xanh. Thời gian trống thì ông trồng rau hành ngắn ngày. Ông tính bình quân mỗi sào đất màu, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm cũng thu từ 20- 25 triệu đồng. Ông Toàn luôn đổi mới trong suy nghĩ và trong việc làm, thường xuyên cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật mới qua thực tiễn sản xuất và không bỏ qua một lớp tập huấn nào do Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tổ chức.
 
Sở dĩ, có được nhiều hội viên làm giàu trên chính mảnh vườn, mảnh ruộng của gia đình mình là nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương cũng như các cấp Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông thị trấn đã thường xuyên vận động, hướng dẫn các hội viên áp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và chăn nuôi.
 
Ông Hoàng Văn Thăng - Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh cho biết, hàng năm, UBND thị trấn có nghị quyết giao cho Hội Nông dân và khuyến nông tham mưu mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên và bà con nông dân trên địa bàn. Từ đó, giúp các hội viên dần ổn định kinh kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quyê hương. Năm 2011 thị trấn có 190 hộ nghèo thì đến thời điểm này giảm xuống còn 140 hộ.
 
Hương Giang