Tân Hưng là xã nằm ở phía đông huyện Lạng Giang, giáp ranh với huyện bạn Lục Nam, có diện tích tự nhiên 12,8 Km2 , với 9.562 nhân của 6 dân tộc anh em cư trú tại 15 thôn trong xã, đây là một miền quê bình dị nhưng có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển nông thôn mới.
 
Trước cách mạng tháng Tám, vùng đất phía đông của huyện cũng như các nơi khác bị thực dân Pháp, rồi Phát xít Nhật, chế độ Phong kiến đè nén, áp bức, đến cùng cực đói nghèo, xơ xác, lòng người ai oán. Bằng lòng yêu nước, thương nòi phong trào Việt Minh được nhen nhóm và cháy nên ngọn lửa cách mạng. Do vậy Tân Hưng là một trong xã có phong trào Việt Minh sớm của huyện. Tổng khởi nghĩa nổ ra, người dân nơi đây đã cùng các lực lượng quần chúng cuồn cuộn kéo về Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) biểu dương lực lượng và cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, góp phần làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 tháng lợi. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, để lãnh đạo cách mạng. Chi bộ Tân Hưng ra đời lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nơi đây đã trở hậu phương của nhiều đơn vị chủ lực chuẩn bị cho các chiến dịch và cũng trở thành chiến trường vùi thây giặc Pháp, tề ngụy, Bảo Hoàng khi chúng vượt qua vành đai trắng càn quét lấn sâu vào vùng tự do. Nhân dân trong xã, mà nòng cốt là đội du kích đã đánh hàng chục trận càn, phá đường không cho xe cơ giới của giặc xâm nhập và cắt đường dây điện thoại của địch ở khu vực đường 13B. Năm 1949 Pháp lập ra vành đai trắng kéo dài suốt từ xã Xuân Hương (Lạng Giang) đến Lục Ngạn, thì Tân Hưng là một trong những điểm chấp gay gắt nhất giữa ta và địch trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ đây những đoàn cán bộ từ chiến khu vào vùng địch hậu, hoặc từ trong đó trở ra để báo cáo tình hình bằng những cuộc“Vượt đường” nổi tiếng và đầy hy sinh mất mát ở dọc tuyến đường 13B.
 
Tân Hưng đã trở thành một trong những đầu cầu nối giữa chiến khu Việt Bắc với vùng địch hậu ở phía đông bắc của Tổ quốc. Lúc mới thành lập Chi bộ Tân Hưng (bao gồm cả xã Yên Mỹ ngày nay) có 13 đảng viên, sau 63 năm xây dựng và trưởng thành đến nay Đảng bộ Tân Hưng có 19 chi bộ với 354 đảng viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 15 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ cơ quan. Cán bộ đảng viên nơi đây luôn nêu cao tinh thần đầu tầu gương mẫu trên mọi lĩnh vực, là lực lượng tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của địa phương trong mọi phong trào cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân Hưng vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương vững chắc của nhiều đơn vị, đồng thời Tân Hưng còn thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, nhiều người con của Tân Hưng đã chiến đấu trên nhiều chiến trường, lập nhiều chiến công xuất sắc, nhưng cũng đã có 171 người là liệt sỹ, 132 người là thương binh. Kết thúc 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Tân Hưng đã được Đảng và nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì, một bà được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", hơn 2.600 cá nhân được tặng thưởng huân huy chương các loại. Ghi nhận sự đóng góp đó của địa phương ngày 24/6/2005,Tân Hưng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp.
 
Nối tiếp những truyền thống vẻ vang của lớp người đi trước, trong 25 năm đổi mới vừa qua càng thể hiện rõ nét sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với địa phương, từ một xã có phong trào trung bình trở thành đơn vị mạnh của Huyện và Tỉnh cả về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và xây dựng hạ tầng nông thôn. Điều này được thể hiện bằng kết quả công tác lãnh đạo phát triển kinh tế của đảng bộ xã Tân Hưng là: Tổng thu nhập bình quân từ năm 2009 đến nay đạt 105 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông-lâm nghiệp chiếm 46,8%, Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề chiếm 27,2%, còn lại là thương mại-dịch vụ. Chính từ khai thác triệt để các năng thế mạnh tại chỗ, Tân Hưng đã hình thành được các cánh đồng thu nhập cao, làng vận tải Mỹ Hưng, đặc biệt là hình thành ngành chế biến lâm sản tập trung dọc theo đường 295 và trở thành xã có năng lực chế biến lâm sản lớn nhất huyện. Hệ số sử dụng đất 3 lần/năm, tổng sản lượng lương thực đạt 5.300 tấn, bình quân lương thực là 520 kg/người/năm. Về chăn nuôi, Tân Hưng có gần 1.700 con trâu bò, 17.000 con lợn và 103.000 con gia cầm đã đưa thu nhập bình quân của xã lên 10,5 triệu đồng/người. Do kinh tế phát triển, Tân Hưng có 35% số hộ có nhà kiên cố và cao tầng, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,06%. Đời sống nhân dân ổn định và không ngừng được cải thiện, Tân Hưng đã huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống. Bằng kết quả đạt được qua 25 năm đổi mới, Tân Hưng đã được Đảng, nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và hạng nhì, một lần được Chính Phủ tặng cờ thi đua, cùng hàng trăm bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ huyện trở lên. Mục tiêu của Đảng bộ Tân Hưng từ nay đến năm 2015, phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế cả giai đoạn đạt 13 đến 13,5%/năm, hạ dần tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, đưa thu nhập bình quân đạt từ 17 đến 18 triệuđồng/người, bình quân lương thực đạt 520 kg/người/năm và giảm hộ nghèo xuống dưới 4% và một số chỉ tiêu cơ bản khác.
65 năm năm đã qua, nhưng khí thế cách mạng vẫn bùng cháy và sục sôi trên mảnh đất này nhằm thiêu cháy giặc ngoại xâm, xua tan nghèo và lạc hậu, đưa nhân dân đi đến ấm no, hạnh phúc. Trước ngưỡng cửa của thập niên thứ 2, thế kỷ 21, Tân Hưng đã và đang vươn lên cùng đất nước, với sức mạnh của một địa phương đang vươn lên như chính cái tên của mình, xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang do Đảng và nhà nước đã trao tặng.
 
Thân Văn Phương