Về xã Lãng Sơn những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp từng nhóm người cùng nhau tấp nập ra đồng gặt lúa. Họ không phải là lao động chuyên đi “cày thuê cuốc mướn” được người làng mượn về từ những miền quê xa xôi. Họ là anh em, bạn bè, là những người hàng xóm láng giềng gần gũi cùng biết san sẻ với nhau công việc lao động mệt nhọc từ một cách làm tập thể hay và hiệu quả - “cách làm đổi công”.
 
Chị Tạ Thị Ngát ở xóm Đông Thượng, xã Lãng Sơn cho biết, từ gần chục năm nay, gia đình chị luôn cấy trên 1 mẫu ruộng. Đến mùa gặt, cả gia đình phải lao động cật lực dòng dã suốt nửa tháng mới gặt xong. Khi lúa chín rộ mà gặp trời mưa, thóc gặt về phải chất đống đầy nhà, có đợt mầm thóc mọc trắng như giá đỗ vì không phơi kịp. Nhưng nay, nhờ cách làm đổi công cho anh em và bạn bè hàng xóm, mỗi ngày gia đình chị gặt được 2-3 sào. Thóc gặt về đến đâu được phơi ngay đến đó nên nhanh và nhàn hơn rất nhiều.
 
Còn tại thôn Tân Mỹ, chị Hoàng Thị Tấn tâm sự: “Gia đình tôi cấy 4 sào lúa nhưng 2-3 năm nay đều cùng anh em trong họ gặt đổi công cho nhau nên đỡ vất vả. Nếu chỉ hai vợ chồng thì còn chật vật chán mới xong”. Được biết, trước đây để gặt được một sào lúa, người dân xã Lãng Sơn phải đi từ 4 giờ sáng với 3-4 lao động thì đến trưa mới xong. Sau đó lại kẽo kẹt kéo xe cải tiến đi hàng cây số mới về đến nhà. Và đâu chỉ gặt thôi, những người nông dân còn phải tranh thủ buổi trưa hè phơi phong, dong dẩy thóc cho nhanh khô. Nhiều khi vã hết cả mồ hôi, mệt lả người nhưng vẫn không được nghỉ bởi lẽ họ còn phải chuẩn bị cho buổi gặt tiếp vào đầu giờ chiều vì lúa đang chín rộ. Nhưng nay nhờ cách làm đổi công, người dân địa phương yên tâm. Họ đi gặt từ 5-6 giờ sáng nhưng 9-10 giờ đã xong 2-3 sào lúa với 2-3 hộ gia đình cùng làm. Gặt về đem thóc ra phơi vừa tầm nắng to, buổi chiều nghỉ. “Cứ như thế lần lượt gặt đổi công cho nhau, mỗi ngày một hộ công việc dường nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ai cũng có thời gian nghỉ ngơi và làm việc đều đặn nên sức lao động bị dồn đỡ mệt” - chị Bùi Thị Việt thôn Ngọc Lâm tâm sự.
 
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, chúng tôi được biết, cách làm đổi công của người dân xã Lãng Sơn có từ 4-5 năm trở lại đây. Không chỉ trong công việc gặt lúa mà những công việc khác người dân địa phương cũng có thể đổi công được như cấy, cày... Cách làm này vừa giúp người dân giảm được ngày công lao động, vừa đẩy nhanh tiến độ công việc và tạo sự nhịp nhàng cho các khâu chở lúa, phụt thóc. Bởi nếu chỉ 1-2 lao động gặt trong một buổi sáng thì không thể đủ chuyến xe chở, máy phụt lúa lẻ tẻ làm hao tốn nhiên liệu và chi phí chi trả. Bên cạnh đó, cách làm đổi công còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Bởi theo tính toán của ông Dự thì chi phí cho 1 sào cấy lúa là quá cao nếu người nông dân phải thuê mướn toàn bộ từ khâu cày-cấy-thu hoạch, trong khi giá cả thuê lao động đắt đỏ mà giá trị sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trên thị trường lại giảm sụt như hiện nay thì người nông dân cấy lúa không còn lãi. Vì vậy cách làm đổi công được coi là một cách làm hay và đem lại hiệu quả khá lớn trong sản xuất nông nghiệp ở những địa phương ruộng đất chưa được quy hoạch tập trung thành vùng như xã Lãng Sơn.
 
Như vậy, “cách làm đổi công” của người dân xã Lãng Sơn hiện nay không phải là cách làm mới, tuy nhiên nhiều địa phương lại chưa áp dụng có hiệu quả. Nhờ sự sáng tạo cùng mong muốn hiệu quả công việc được nâng cao, tiến độ công việc nhanh gọn, người dân xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng đã biết phát huy nội lực vốn có của cách làm tập thể này, đem lại niềm vui lớn cho người dân địa phương và gắn chặt mối tình đoàn kết của những người hàng xóm láng giềng. Thiết nghĩ, người nông dân sẽ giảm bớt được nhiều vất vả nếu mỗi địa phương biết phát huy hiệu quả của cách làm đổi công hay này.
 
Thanh Phúc