Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thực tế vụ Đông vẫn là vụ sản xuất quan trọng, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Những cánh đồng, mô hình cho thu hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha không phải hiếm. Ông Đàm Đức Hướng, thôn Tây, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) cho biết: Vụ Đông những năm trước, gia đình tôi chỉ trồng một số loại rau, chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi biết có chương trình sản xuất khoai tây chế biến, tôi dành 2 mẫu ruộng để trồng. Do áp dụng kỹ thuật canh tác mới nên cây khoai tây phát triển tốt, năng suất bình quân khoảng 5 tạ/sào. Ông Phạm Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy cho biết thêm, đây là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Trường Phượng (TP Bắc Giang) với nông dân thôn Tây, tổng diện tích khoảng 6 ha theo phương thức công ty cung cấp giống khoai Atlantic và một phần phân bón, các gia đình có thể cho mượn đất hoặc cùng tham gia chăm sóc, quản lý. Theo đánh giá của đại diện Công ty TNHH Trường Phượng thì dự kiến năng suất bình quân 14 tấn/ha, khi thu hoạch, công ty cam kết mua với giá 6 nghìn đồng/kg khoai loại I, 5 nghìn đồng/kg khoai loại II và sẽ mua hết toàn bộ sản phẩm. Như vậy sau khi trừ chi phí, người sản xuất có lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Thành công bước đầu của mô hình là cơ sở để xã Cảnh Thụy tiếp tục mở rộng diện tích ở các vụ đông sau, đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó có sự trợ giúp của chính quyền. Ông Trần Hồng Đức, Giám đốc Nhà máy Chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu Bắc Giang cho rằng: Hàng năm, nhu cầu nguyên liệu (chủ yếu ở vụ Đông) của các cơ sở chế biến nông sản rất lớn. Riêng mặt hàng dưa bao tử cần khoảng 2.000 - 2.500 tấn, nhưng năng lực sản xuất của tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 50%. Ngoài ra các doanh nghiệp còn có nhu cầu nguyên liệu chế biến dưa trung tử, cà chua bi, ngô ngọt… Do vậy, nếu nông dân các địa phương đáp ứng được yêu cầu, các cơ sở chế biến vẫn có khả năng thu mua hết nông sản đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất vụ đông luôn gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân bỏ ruộng không còn mặn mà với các loại rau màu. Diện tích sản xuất liên tục giảm hoặc không đạt kế hoạch đề ra. Vụ đông 2011 tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh chỉ đạt dưới 60% so với kế hoạch đã đề ra. Trao đổi với ông Vũ Trí Đồng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) được biết, thời vụ sản xuất vụ đông 2011 chậm hơn mọi năm từ 20 - 25 ngày. Vào đầu vụ Đông tỉnh ta liên tiếp chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão, gây mưa trên diện rộng đã làm chậm tiến độ thu hoạch lúa mùa và làm đất gieo trồng cây vụ Đông. Giá vật tư, phân bón, thuê nhân công đều ở mức cao và không ổn định đã ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh của nông dân. Nguồn lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong vụ đông giảm mạnh do chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Để khắc phục những khó khăn, ngay từ đầu vụ, các chính sách đã đến với người sản xuất kịp thời như: Ngân sách trung ương hỗ trợ 5 tấn hạt rau giống; tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho nông dân để mua giống, vật tư phân bón trồng rau chế biến và 20 triệu đồng/ha cứng hóa kênh mương cho những vùng sản xuất rau chế biến tập trung có quy mô hơn 5 ha. Ngoài ra các huyện, thành phố cũng trích một phần ngân sách hỗ trợ giống, vật tư phân bón cho sản xuất. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, một số huyện, thành phố đã có những cách làm riêng. Điển hình như huyện Tân Yên, ngoài việc hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với cây rau chế biến theo chương trình của tỉnh, huyện còn trích ngân sách hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/ha để chỉ đạo sản xuất thành vùng tập trung; hỗ trợ 3 triệu đồng/xã và 500 nghìn đồng/thôn nếu hoành thành kế hoạch sản xuất huyện giao; huyện Việt Yên hỗ trợ 50% giá giống khoai tây và khoai lang KLC3; huyện Yên Dũng hỗ trợ 30% giá giống khoai tây, 100 nghìn đồng/sào đối với cây rau chế biến, cây dược liệu... Một số doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn thuê đất, liên kết với các hộ dân để đầu tư sản xuất rau an toàn, rau chế biến, khoai tây chất lượng. Được biết, vụ đông 2011, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 20 nghìn ha (đạt khoảng 70% so với kế hoạch), đến nay đã thu hoạch gần 18 nghìn ha, phần lớn là rau chế biến, khoai tây, ngô, khoai lang. Từ thực tế vụ đông 2011 cho thấy nhận thức của chính quyền các cấp và nông dân về sản xuất vụ đông đã có sự chuyển biến theo hướng thích ứng với thực tế, có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Nếu được hỗ trợ tích cực, có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (cơ quan quản lý, chuyên ngành, doanh nghiệp và người sản xuất) thì vụ đông vẫn đem lại hiệu quả kinh tế không hề nhỏ. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách khuyến khích nông dân, doanh nghiệp để nâng cao quy mô, tích tụ ruộng đất, đầu tư thâm canh để sản xuất vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính trong năm./. (Nguồn Báo Bắc Giang)