Công tác khuyến nông đóng một vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Trong năm 2012, Trung tâm KNKN đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả, được bà con nông dân đón nhận và hưởng ứng cao. Chúng tôi về thăm xã Tân Trung, huyện Tân Yên, nơi có mô hình khuyến nông đang được Trung tâm KNKN triển khai trong thời gian gần đây. Tân Trung là xã miền núi, đa phần bà con vẫn sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó vật nuôi nhiều nhất là gà, do địa phương có nhiều diện tích trồng nhiều vải thiều, thuận lợi cho việc chăn nuôi gà dưới tán vải. Tại đây, chúng tôi đã tới thăm gia đình anh Đặng Văn Tranh và chị Ngô Thị Nga ở thôn Công Bằng. Khi chúng tôi đến, anh chị đang cho gà ăn. Theo quan sát của chúng tôi, đàn gà của anh chị phải có đến vài trăm con sắp đến ngày được bán. Với vẻ mặt phấn khởi, anh chị cho chúng tôi biết, nhiều năm nuôi gà với số lượng lớn dưới tán vải thiều, nhưng có lẽ năm nay gia đình anh chị chăn nuôi thuận lợi nhất. Cách đây gần 3 tháng, gia đình anh chị được Trung tâm KNKN hỗ trợ vật tư chăn nuôi gồm 45 kg vôi bột, thuốc chống cúm, bệnh Newcatson và thuốc sát trùng dùng cho chăn nuôi gà. Nhưng theo anh chị cho biết thì điều quan trọng hơn đó chính là được cán bộ khuyến nông phổ biến khoa học kỹ thuật một cách tận tình. Bởi trước đây, dù có nuôi gà nhiều năm, song việc chăn nuôi của anh chị chỉ theo cách truyền thống, chăn thả tự do và ít khi tiêm phòng dịch bệnh, dẫn đến tình trạng chăn nuôi năm được, năm mất, dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra. Sau khi được trung tâm khuyến nông hỗ trợ vật tư và hướng dẫn kỹ thuật, đàn gà 300 con của anh chị đã sinh trưởng và phát triển tốt và sắp được xuất bán. Chị Nga nói với chúng tôi: “Được hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi chăn nuôi tốt và bảo đảm hơn trước nhiều. Gia đình tôi cứ làm đúng hướng dẫn của cán bộ, giờ gà đã được hơn 2 kg, sắp được bán.” Chia tay vợ chồng nhà chị Nga, chúng tôi tiếp tục tới thăm nhà anh Dương Đình Hợp ở thôn Giữa cũng được Trung tâm KNKN hỗ trợ vật tư chăn nuôi và kỹ thuật trong chăn nuôi gà. Tuy nhiên, khác với gia đình nhà chị Nga chỉ nuôi 300 con trong quy mô được hỗ trợ, gia đình anh còn mua thêm vật tư để đầu tư nuôi thêm 1000 con gà. Theo anh cho biết, trước đây gia đình anh cũng có nhiều năm chăn nuôi gia cầm, chỉ có điều đó cũng là những cách chăn nuôi truyền thống, chăn thả tự do, không phòng chống dịch bệnh. Giờ đây khi đã tường tận kỹ thuật chăn nuôi, phòng tránh những bệnh mà gà thường gặp, thì anh rất yên tâm và nhân rộng đàn gà với quy mô lớn hơn. Hiện nay, đàn gà hơn 1000 con của gia đình anh phát triển khá tốt. Theo anh tính với giá gà bán cao tại vườn khoảng 80 nghìn đồng/kg, lứa gà này anh cũng lãi khoảng 60 triệu đồng. Anh Hợp tâm sự: “Không tiêm phòng đầy đủ nên trước đây năm nào gà cũng chết, vườn không sát trùng lại dịch bệnh lại tái phát, giờ có cán bộ khuyến nông hỗ trợ vật tư và kỹ thuật nên tôi yên tâm lắm.” Theo thống kê của UBND xã Tân Trung thì hiện nay mỗi năm toàn xã chăn nuôi khoảng 150 nghìn con gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, chăn nuôi nhiều, rủi ro cũng lớn. Có những năm dịch bệnh xảy ra, toàn xã phải tiêu hủy lượng gia cầm khá lớn. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi các con vật khác như lợn, trâu, bò… cũng thường gặp nhiều rủi ro… Nguyên nhân chính vẫn là do bà con nhân dân vẫn còn ngại thay đổi tập quán chăn nuôi cũ để tiếp cận với phương thức sản xuất mới. Ngoài ra, việc tuyên truyền khoa học kỹ thuật cho bà con vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều cách để bà con tiếp cận. Chính vì vậy khi mô hình hỗ trợ chăn nuôi gà an toàn của Trung tâm KNKN triển khai, nhiều bà con nhân dân xã Tân Trung đã tích cực hưởng ứng. Đã có 150 hộ gia đình tham gia mô hình với quy mô chăn nuôi lên tới hàng chục nghìn con. Đến nay, sau khoảng 3 tháng triển khai, gia cầm của tất cả các hộ gia đình tham gia đều phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập. Ngoài mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, trong năm 2012 Trung tâm KNKN đã thực hiện nhiều mô hình khác có hiệu quả. Các mô hình về trồng trọt có mô hình sản xuất lúa lai, lúa chất lượng, trồng nhãn chín muộn, khoai tây… Các mô hình thủy sản cũng được thực hiện thành công. Năm 2012 Trung tâm KNKN xây dựng một số mô hình nuôi thâm canh các đối tượng cá chất lượng và cá truyền thống với quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học tiến tới nuôi theo quy trình VietGAP. Với nhiều mô hình được xây dựng như nuôi thâm canh cá chim trắng, nuôi ghép cá chép V1, mô hình cá trắm đen… đều mang lại hiệu quả tốt. Được chị cán bộ văn hóa xã Song Mai dẫn đi, chúng tôi tới thăm nhà ông Bùi Kịm Tuyến ở thôn Phương Đậu. Gia đình ông Tuyến trong năm 2012 cũng được KNKN hỗ trợ 9000 con cá giống các loại, trong đó nhiều phần là giống cá chép V1. Sẵn có nhiều điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi thủy sản như ao hồ rộng, có nhiều năm kinh nghiệm, ông Tuyến và nhiều hộ dân khác ở xã Song Mai đã tích cực hưởng ứng mô hình. Theo ông cho biết, những năm trước hầu hết các giống cá ông chăn nuôi đều chưa đảm bảo chất lượng, khiến cho cá dễ bị chết, sức đề kháng kém, năng suất không cao. Năm nay, khi được hỗ trợ cá giống cùng nhiều vật tư khác như thức ăn, và kỹ thuật chăn nuôi, sau gần 6 tháng, đàn cá của gia đình ông phát triển khá tốt. Mới đây, ông vừa thu hoạch được 7 tấn cá các loại, và đang có ý định mở rộng diện tích chăn nuôi cá chép V1. Năm 2012, với nhiều mô hình khuyến nông khuyến ngư có hiệu quả, công tác khuyến nông đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, theo mong muốn của nhiều bà con nông dân tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới việc phổ biến khoa học kỹ thuật sẽ được công tác khuyến nông chú trọng hơn nữa. Bởi việc thông tin trong chăn nuôi là phần quan trọng quyết định tới năng suất cũng như hiệu quả của mô hình. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được triển khai, chính vì vậy công tác khuyến nông lại càng trở nên quan trọng. Đây chính là cầu nối để thúc đẩy việc sản xuất, chăn nuôi, nâng cao mức sống và thu nhập cho bà con nông dân. Do vậy, công tác khuyến nông ngày càng phải đổi mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khuyến nông, cung cấp các dịch vụ khuyến nông có hiệu quả để đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân trong tỉnh. Đài PTTH tỉnh