Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở xã Cảnh Thụy với quy mô 50 ha. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trong tỉnh nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Hai địa phương được chọn xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên canh lúa ở xã Cảnh Thụy và khoai tây tại xã Tư Mại với quy mô 50 ha/cánh đồng là nơi nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Địa điểm chọn triển khai mô hình là hai trong 5 xã điểm nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của huyện đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa xong. Đây là mô hình sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Yêu cầu của mô mình cánh đồng mẫu lớn là điều kiện sản xuất phải trên diện tích liền vùng, liền thửa, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm hợp lý, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Vốn đầu tư để thực hiện mô hình từ kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã điểm và kinh phí xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh. Theo đó, đối với cánh đồng trồng lúa nông dân sẽ được hỗ trợ 70% giá giống, 35% phân bón, 50% thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ tiền công làm đất gieo mạ tập trung…  
 
Những ngày này, tại thôn Tân Mỹ, xã Cảnh Thụy, nơi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, người nông dân đang háo hức đón nhận cách làm mới với bao kỳ vọng, dự cảm tốt đẹp. Bà Nguyễn Thị Điệp, 72 tuổi cho biết :Trước đây chúng tôi cấy lúa đơn giản lắm, thu hoạch xong lúa chiêm thì cày dập, gieo mạ rồi cấy tiếp. Do hai vụ cấy liền nhau, giống không được chọn lọc kỹ, ruộng ít được "thau chua rửa mặn" nên lúa dễ bị nhiễm sâu bệnh, năng  suất thấp, bây giờ được hướng dẫn làm theo quy trình  sản xuất cẩn thận thế này thì chắc chắn sẽ cho kết quả tốt.
 
Sản xuất trên cánh đồng mẫu yêu cầu người nông dân phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, ruộng được cấy cùng loại giống, cùng chế độ chăm sóc. Riêng giống lúa được chọn đưa vào trồng tại cánh đồng mẫu lớn vụ này là loại BC15, là giống lúa thuần có khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đã được thử nghiệm qua vài vụ trên đồng đất Yên Dũng cho năng suất trung bình 63 tạ/ha. Ông Ong Khắc Vượng, Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy cho biết: Để xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn, ngay vụ đầu xã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UNND xã làm trưởng ban cùng với cán bộ khuyến nông, lãnh đạo thôn đề ra kế hoạch chi tiết, có lịch trình công tác từng ngày. Chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân triển khai sản xuất. Đặc biệt, dù chưa được hỗ trợ kinh phí song xã đã phối hợp với doanh nghiệp lấy đủ 2,1 tấn giống, 28 tấn phân bón các loại cung cấp cho nông dân bảo đảm thời vụ. Thời điểm này bà con nông dân đang ủ giống, gieo mạ để thu hoạch xong lúa chiêm xuân là gieo cấy được ngay…
 
Qua tiếp xúc một số người dân, chúng tôi được biết, dù mới đang giai đoạn đầu nhưng người nông dân thấy rõ cái được của cánh đồng mẫu lớn là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất tập trung ruộng đất không còn manh mún, đưa cơ giới hóa lớn vào khâu làm đất và chi phí sản xuất sẽ giảm một nửa so với trước. Hơn nữa, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên cánh đồng đại trà chỉ một loại giống sẽ rất dễ làm. Tuy nhiên, đưa một quy trình mới vào trong khi tập quán canh tác tự do của người dân đã tồn tại từ lâu không phải không gặp những trở ngại. Ngay những khâu đầu tiên, dù đã có hai lớp tập huấn về cách làm đất, gieo mạ nhưng qua kiểm tra, cán bộ khuyến nông phát hiện có hộ khi thực hiện quá trình ngâm giống đã quá thời gian 10 tiếng, lý do chủ hộ đưa ra rất  đơn giản chỉ vì “tối rồi để sáng mai làm một thể”!? Việc chấp hành nghiêm ngặt quy trình khiến sinh hoạt gia đình có lúc bị xáo trộn, nhiều người khó chịu vì chưa quen!?… Ông Nguyễn Khắc Phương,Trưởng thôn Tân Mỹ giãi bày: Thôn tôi được chọn triển khai mô hình cánh đồng lớn là một vinh dự nhưng cũng là thách thức. Để thực hiện thành công mô hình, lãnh đạo thôn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nên yêu cầu các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền vận động, sâu sát kiểm tra, xử lý vướng mắc. Đặc biệt, cán bộ chuyên môn của xã, lãnh đạo thôn ngày nào cũng có mặt trên đồng nắm thông tin kịp thời giúp đỡ bà con những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình.
 
Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn về lúa và cây màu tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Yên Dũng và cả tỉnh. Hy vọng kết quả từ các mô hình này là kinh nghiệm quý để nhân rộng, góp phần vào thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
 
Báo Bắc Giang