Về Phúc Hòa, Tân Yên mùa này, ai cũng choáng ngợp trước khung cảnh những đồi vải thiều trải dài tới ngút mắt đang mùa ra hoa, kết trái. Cây vải sớm đã gắn bó vào làm thay đổi cuộc sống của không ít người dân nơi đây từ hàng chục năm nay. Nhiều nông dân đã làm giàu từ chính đồi bãi quê hương mà tưởng chừng chỉ dành cho những sim, mua mọc ấy.
 
Tân Yên là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có tổng diện tích đất tự nhiên là 204 km, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 12,825ha. Vải là cây ăn quả lâu năm được người dân nơi đây tin tưởng là cây xóa đói giảm nghèo. Với tổng diện tích trồng vải là 1.600 ha, trong đó diện tích vải sớm là hơn 750 ha (năm 2012), mỗi năm cho sản lượng hơn 8.100 tấn với giá trị lên đến trên 65 tỷ đồng. Cây vải đã và đang tạo dựng được thương hiệu vả Tân Yên trên thị trường hàng nông sản Việt Nam, mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho người nông dân Tân Yên.
 
Nằm gần trung tâm xã, Lân Thịnh là thôn có nhiều triệu phú giàu lên từ kinh tế đồi vườn nhất. Hỏi đến ông Đỗ Đức Thắng, ai cũng biết đến như một tấm gương điển hình với mô hình vườn, đồi kết hợp chăn nuôi của mình. Ông là một nông dân luôn năng động, sáng tạo, cần cù lao động để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp thâm canh, xen canh...
 
Ông kể: ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Tân Yên, Bắc Giang này. Lớn lên rồi lập gia đình, sinh liền 3 người con, kiếm đủ các kế sinh nhai mà cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình ông. Cuộc sống quanh quẩn với cây lúa, củ khoai với mấy sào ruộng khoán không có gì khởi sắc. Nhìn quanh mình chỉ có thấy từng quả đồi sim, mua, bạch đàn, dương xỉ mọc hoang. Không cam chịu phận nghèo, cứ ở đâu ông nghe có mô hình kinh tế hiệu quả cao, ông lại tìm đến để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, rồi tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống... Sau mỗi buổi đi tham quan, tập huấn đó, ông nhận ra rằng muốn thoát nghèo, không cần đi đâu xa mà có thể thực hiện ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó, ông tìm hiểu và nghiên cứu kỹ mảnh đất và thế mạnh của quê hương mình. Ông nhận thấy, điều quan trọng nhất là cần phải đổi mới tư duy sáng tạo hơn nữa, đầu tư mạnh mẽ hơn vào phát triển mô hình kinh tế tổng hợp quy mô lớn về trồng cây ăn quả, chăn thả gà vườn đồi và trồng rau ngắn ngày.
 
Ông cho biết để thực hiện giấc mơ này, từ những năm 90, khi vườn đồi rộng rãi còn chưa ai biết sẽ trồng cây gì, còn rậm những bạch đàn và dương xỉ. Ông lặn lội đi xuống tận tỉnh Hải Dương để tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc cho giống vải Thanh Hà nổi tiếng nơi đây. Khi mà cây vải vẫn còn khá xa lạ với người dân quê hương mình, ông đã mạnh dạn tiên phong mua cả một quả đồi rộng lớn, khai phá, cải tạo và trồng hàng trăm gốc vải thiều. Đầu tư lớn về cây giống, ông cùng gia đình dày công chăm sóc từng gốc cây. Chỉ sau 3 năm, cây vải thiều đã có thể cho thu hoạch. Nhưng do mới đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và thu hoạch, ông đã gặp phải không ít khó khăn. Quả vải sâu nhiều, trái không được to, mã không được đẹp, chín không đúng thời điểm,…Không nản lòng, ông càng quyết tâm tìm hiểu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua từng năm. Trời đã không phụ lòng người có tâm huyết, những năm về sau, cây vải của ông ngày càng cho năng suất cao, từng bước giúp gia đình ông thoát nghèo đồng thời có số vốn nhỏ để tích lũy.
 
Đến đầu những năm 2000, khi cây vải đã được trồng khá phổ biến, ông nhận thấy cây vải sớm, giống vải lai đưa lại hiệu quả cao hơn, năng xuất cao hơn, cho thu hoạch sớm hơn vải thiều trên dươi một tháng, do đó bán được giá cao hơn. Điều quan trọng nhất là cây vải sớm rất phù hợp với chất đất ở quê mình. Ông đã tìm hiểu và từng bước chuyển đổi từ cây vải thiều sang cây vải sớm. Cây vải sớm trồng chỉ 3 năm đã cho thu hoạch. Nhờ chịu khó học hỏi, tham quan các mô hình vườn đồi ở nhiều nơi, tham gia tích cực các lớp học hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, tìm hiểu qua sách, báo, các ấn phẩm khoa học công nghệ... để có thể tích lũy kiến thức, áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới nhất để không ngừng nâng cao chất lượng và sản lượng cho vườn cây ăn quả của gia đình mình. Vải tại vườn nhà ông luôn được các thương lái tin tưởng cả về mẫu mã và chất lượng do được ông áp dụng chặt chẽ các quy trình chăm sóc, nên đầu ra luôn được đảm bảo. Mỗi năm, với gần 1 ha đồi vải mang lại cho gia đình ông trên chục tấn vải quả, thu nhập hơn 120 triệu mỗi năm. Trừ các chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu, cây vải cũng mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.
 
Không dừng lại ở đó, khi cây vải lớn lên, các cây vải đã tạo tán để lại một khoảng đất rộng ở dưới mát và khô ráo. Do địa hình đồi cao, khô ráo rất thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm nên ông đã tận dụng để nuôi thả gà đồi. Học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi gà tại Yên Thế, ông tìm hiểu các giống gà, cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh, các cách kết hợp chăn nuôi gà với vườn vải để không làm hại cây vải. Ông đã bắt đầu tiến hành nuôi thả gà với quy mô lớn dần. Vừa tận dụng được địa thế để nuôi thả những giống gà chất lượng, đồng thời cũng tạo ra một nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây vải của gia đình mình. Hiện nay mỗi năm, gia đình ông nuôi từ 3-4 lứa gà thịt, với mỗi lứa khoảng 1000 con, Tuy giá cả lên xuống thất thường nhưng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn rất khả quan. Trung bình mỗi năm, trừ tất cả các chi phí về giống, thức ăn, thuốc thú y, gia đình ông thu lãi từ chăn nuôi khoản 50 triệu đồng. Bên cạnh việc phát triển mô hình kết hợp vườn đồi trồng cây ăn quả với chăn nuôi, những mảnh ruộng ở địa thế cao, ông đưa cây vải ra trồng, với những mảnh ruộng dưới thấp, gia đình ông còn tận dụng để trồng rau xanh. Mùa nào thức nấy, vợ chồng ông tận dụng hơn 3 sào ruộng để trồng rau bán ra thị trường.
 
Với quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, chịu thương chịu khó của gia đình ông Đỗ Đức Thắng ở thôn Lan Thịnh, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, chúng tôi tin tưởng các mô hình sản xuất nông nghiệp như gia đình ông đã và sắp triển khai sẽ thành công rộng khắp góp phần xây dựng kinh tế gia đình và quê hương giàu đẹp.
 
Trần Phượng.