Bằng nhiều hoạt động thiết thực, năm qua Hội nông dân (HND) huyện Hiệp Hòa phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác vay vốn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập.
 
Anh Lê Văn Vượng, thôn Đức Nghiêm, xã Ngọc Sơn bị bệnh viêm xương khớp đã nhiều năm, công việc nặng nhọc trong gia đình đều do một mình vợ cáng đáng. Vợ anh phải vất vả làm lụng lấy tiền chữa bệnh cho chồng và lo cho ba con nhỏ. Nhiều lúc anh thương vợ, thương con phải chịu cảnh thiệt thòi nhưng bệnh tật cứ đeo bám dai dảng, cộng với không có chút vốn, nên có xoay sở cách nào cũng không khá nên được. Năm 2009, được sự giúp đỡ của HND xã Ngọc Sơn phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận ủy thác cho gia đình anh vay 6 triệu đồng. Đến năm 2011, anh đã trả được nợ và vay tiếp 12 triệu đồng mua một con bò và một lợn nái để phát triển kinh tế. Sau một năm anh đã được thu hai lứa lợn và một con bê. Không dừng lại ở đó, với chút vốn ban đầu tích lũy được, anh nhận đấu thầu 3 ha để nuôi trồng thủy sản. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa cao, song với điều kiện như hiện tại giúp anh có tiền chữa bệnh, được lao động giúp đỡ vợ con và lo cho gia đình.
 
Không gặp phải hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh Vương, ông Nguyễn Văn Bình, thôn Ngọc Tân (Ngọc Sơn), mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2003, ông tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thông qua nhận ủy thác của HND xã nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, vay 15 triệu đồng để cải tạo ao nuôi thủy sản và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Từ đó đến nay, nguồn vốn này giúp gia đình ông mạnh dạn tăng đàn vật nuôi, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Mỗi năm ông nuôi từ 40 – 50 con lợn thịt/lứa, thu từ 5 – 6 tấn cá thương phẩm. Năm 2011 ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho người dân trên địa bàn. Bình quân một tháng, vừa phục vụ cho nhu cầu đàn vật nuôi của gia đình và cung cấp ra thị trường đạt 40 tấn, mỗi năm trừ chi phí ông thu về hơn 200 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Tiến Soạn, Chủ tịch Hội nông dân Hiệp Hòa cho biết, đến nay toàn huyện có 26/26 xã, thị trấn có tổ chức hội phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Nông nghiệp nhận ủy thác vay vốn, nâng mức dư nợ lên 163 tỷ đồng, ngân hàng CSXH 101 tỷ đồng, ngân hàng NN và PTNT trên 62 tỷ đồng cho 10.544 hộ vay vốn. Trong đó có chương trình cho vay hộ nghèo, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, cho vay phát triển kinh tế… Để thực hiện tốt chương trình này, HND phối với ngân hàng và lãnh đạo các cấp thành lập các tổ Tiết kiệm và vay vốn ở địa phương; tiến hành rà soát và lựa chọn các đối tượng được hưởng lợi, trong đó đặc biệt chú trọng đến hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hộ thiếu vốn trong phát triển kinh tế. Các hộ có nhu cầu vay vốn sẽ đăng ký với các tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn, được ngân hàng tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn làm đơn, thủ tục, quy trình vay vốn và chịu sự kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Với những hộ vay vốn phát triển kinh tế, phải lập dự án sử dụng vốn vay, với mức vốn vay dưới 30 – 50 triệu đồng không cần tài sản thế chấp. Trong những năm qua, nguồn vốn này đã giúp nông dân trong huyện xóa đói, giảm nghèo và phát triển sản xuất tăng thu nhập hộ gia đình. Cùng với giúp nông dân tiếp cận vốn, sau mỗi kỳ giải ngân, các cấp hội ở cơ sở luôn theo sát tình hình sử dụng nguồn vốn vay; vận động hộ vay vốn tham gia các lớp học nghề, tập huấn, tham quan mô hình điểm để nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích. “ Phải giúp họ nâng cao đời sống, tăng thu nhập thì nguồn vốn vay mới quay vòng và cho hiệu quả cao”, ông Soạn nói.
 
Bằng những hoạt động hiệu quả của các cấp Hội trong toàn huyện, HND Hiệp Hòa luôn là một trong 4 tổ chức hội dẫn đầu toàn tỉnh về làm tốt công tác phối hợp, nhận ủy thác vay vốn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; được Ngân hàng CSXH tỉnh đánh giá có chất lượng tín dụng tốt, quản lý và hướng dẫn người vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả.
 
Nguyễn Thị Tươi