Trải qua nhiều ngành nghề kiếm sống, năm 2007, Bác bàn với vợ và quyết định “dồn điền đổi thửa” với 1,3 mẫu ruộng gia đình có được Bác đã đổi toàn bộ cho bà con trong thôn được một khu ruộng tập trung gần nhà để xây dựng trang trại và cho hiệu quả kinh tế cao nhờ cách tính toán kết hợp chặt chẽ giữa vườn – ao – chuồng. Bác tên là Nguyễn Xuân Kích – một cựu chiến binh tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh của xã An Dương.
 
            Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc thôn Hạ, xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm 1971, Bác tham gia bộ đội đến năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc, Nam chung một mối, Bác hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương lập nghiệp.
 
            Sau khi lập gia đình, Bác cùng bác gái tần tảo sớm hôm làm đồng ruộng với công khoán rồi đến tự sản xuất trên đất ruộng được phân chia nhưng cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn. Bác xoay sở đủ các nghề như: Đi buôn lợn, cân vải thiều, đi xa để làm ăn kinh tế… tuy có đồng ra đồng vào nhưng đi lại vất vả, chi phí tốn kém và nhận thấy việc nuôi cá, kết hợp với nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao tại một số trang trại quy mô hộ gia đình ở xã Liên Sơn, xã Ngọc Châu.... Bác đã học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại đó và quyết định đổi toàn bộ số ruộng gia đình có, vay ngân hàng theo dự án hỗ trợ cựu chiến binh phát triển kinh tế 30 triệu đồng để quy hoạch và xây dựng trang trại. Với nỗ lực quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ngay sau khi cơ bản xây dựng song hai khu chuồng nuôi và một ao Bác bắt tay ngay vào việc sản xuất. Ban đầu Bác thực hiện theo kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”, tập trung vào sản xuất các loại rau màu ngắn ngày như: Các loại cải, bí xanh, bí đao, dưa bở… kết hợp với chăn nuôi lợn thịt và vịt siêu trứng. Với 3000 m2 mặt nước ao, Bác thả các loại cá như Chép lai, trôi Ấn Độ, rô phi đơn tính, chim trắng… bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế.
 
Sau một năm, vừa sản xuất vừa tích lũy, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các trang trại khác, Bác dần mở rộng quy mô sản xuất cả về trồng trọt và chăn nuôi, ngoài việc nuôi cá thương phẩm Bác tận dụng diện tích 700 m2 ao có sẵn trong vườn nhà nuôi cá giống để cung cấp nguồn đầu vào cho ao nuôi cá thương phẩm. Chính vì vậy, một năm Bác được thu 2 lứa cá, mỗi lứa được từ 1,8 tấn – 2,2 tấn với giá bán trung bình từ 14.000 đồng – 16.000 đồng/kg. Trong việc chăn nuôi bác đầu tư nuôi 4 con lợn nái để tự cung cấp giống cho khu chuồng nuôi lợn thịt. Đồng thời tăng số lượng vịt siêu đẻ lên 300 con và nuôi thêm gà thịt. Rìa ngoài bờ ao Bác tận dụng trồng cỏ VA06 vừa để làm hàng rào vừa làm thức ăn cung cấp cho 2 con bò nái và 4 con bò thịt. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng xuất cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế ngày một cao. Năm 2012, trang trại của Bác cho thu lãi gần trăm triệu đồng.
 
Bác cho biết: “Ngoài việc cẩn thận trong chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc hợp lý giữa cây trồng, vật nuôi và sự cần cù lao động hì điều quan trọng là phải chú ý đến phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Cần gắn mối liên hệ giữa cây trồng, vật nuôi để giảm lượng thức ăn phải đầu tư và tránh dich bệnh; tích cực học hỏi những cách làm hay, những kỹ thuật tiên tiến trong phát triển kinh tế trang trại”.
 
Không bằng lòng với những gì đã đạt được trong thời gian tới Bác sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời chồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài, bưởi, nhãn… Không những làm kinh tế giỏi mà chúng tôi còn được biết đến Bác với vai trò là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Hạ. Bác luôn tận tình với công tác xã hội, nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại với các cựu chiến binh khác trong và ngoài xã. Chính vì vậy mà nhiều năm liền Bác được UBND xã An Dương tặng giấy khen trong công tác xã hội cũng như trong sản xuất kinh doanh. Bác chính là một tấm gương sáng trong phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.
 
 Nguyễn Thảo