Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cùng với mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cải thiện đời sống cho người nông dân, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa cho năng suất không cao sang trồng các loại cây trồng khác như: Ngô, lạc, đậu tương, rau các loại… hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, một số mô hình canh tác chính trên đất lúa đã cho giá trị sản xuất cao như: Lúa Xuân kết hợp với thả cá đạt bình quân 100 triệu đồng/ha; lạc Xuân – lúa Mùa – cây màu vụ Đông đạt bình quân 145 triệu đồng/ha; trồng cần kết hợp với thả cá đạt bình quân hơn 500 triệu/ha. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do kết cấu hạ tầng, thủy lợi chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong tiêu nước cho cây trồng cạn hay tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô; giá cả nông sản bấp bênh, sản xuất không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dẫn đến người nông dân không mạnh dạn trong chuyển đổi, đầu tư thâm canh sản xuất.
Giai đoạn 2014-2020, Bắc Giang đăng ký kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác. Cụ thể, năm 2014 chuyển đổi diện tích là 820 ha, năm 2015, chuyển đổi là 420 ha; giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi là 850 ha diện tích trồng lúa sang trồng các cây trồng khác như: Ngô; đậu tương; vừng, lạc; rau quả thực phẩm các loại; cây thức ăn gia súc; cây trồng hàng năm khác; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Để việc chuyển đổi thực hiện được theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất tỉnh hỗ trợ các địa phương kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cho vùng chuyển đổi để việc triển khai sản xuất được thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ giống, phân bón, cơ giới hóa đối với vùng chuyển đổi sản xuất thành vùng tập trung theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn để doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm; cung ứng giống, phân bón, vật tư cho nông dân theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất./.
http://bacgiang.gov.vn
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)