Thời vụ
* Vụ Xuân: Bố trí gieo cấy vào trà Xuân muộn, gieo mạ đầu tháng 3, cấy trước 5/4.
* Vụ Hè- Thu, vụ Mùa: Gieo mạ từ 10-15/6, cấy xong trước 10/7.
Kỹ thuật thâm canh mạ
Ruộng gieo mạ: Cần chọn ruộng bằng phẳng, đất có độ phì cao, pH = 5-5,5, phải chủ động tưới tiêu. Đất phải được cày bừa kỹ.
Lượng giống: cho 1 ha ruộng cấy
Vụ Xuân 25-30 kg/ha, vụ mùa 20-25 kg/ha. Ở một số nơi có kinh nghiệm thâm canh thì dùng 18-20 kg/ha.
Ngâm ủ: Trước khi ngâm giống cần phơi lại dưới ánh nắng nhẹ 2-3 giờ. Thời gian ngâm: Vụ Xuân ngâm 20-24 giờ, vụ Mùa 12-14 giờ. Trong thời gian ngâm thay nước 2-3 lần. Thời gian ủ vụ Xuân đến khi mầm dài bằng ½ hạt thóc và vụ Mùa đến khi mầm ra gai dứa thì đem gieo.
Gieo mạ: Gieo thưa, gieo đều, chìm mộng. Lượng thóc giống gieo cho 1 ha mạ khoảng 270-330 kg/ha.
Phân bón cho ruộng mạ
- Lượng phân bón cho 1 ha ruộng mạ:
Phân chuồng hoai mục: 10 tấn;
Urê : 100-120 kg;
Lân super : 270-400kg;
Kalicorua : 60-80 kg.
Cách bón:
Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng + 400 kg Super Lân + 40-50 kg Urê + 30-40 kg Kali Clorua.
Bón thúc:
+ Lần 1: Khi cây mạ được 2,5- 3 lá, bón 30-40 kg Urê + 30-40 kg Kali Clorua.
+ Lần 2: Bón tiễn chân số phân Urê còn lại trước khi nhổ cấy 4-5 ngày.
- Tưới nước: Sau khi gieo mạ tuyệt đối không để nứt nẻ mặt luống, khi mạ được 1 lá thì cần tưới 1 lớp nước mỏng.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Chú ý: Đối với vụ Xuân gieo mạ sân hoặc gieo mạ dược đều phải che phủ nilon để đảm bảo cho cây mạ sinh trưởng, phát triển bình thường, không bị chết rét.
Kỹ thuật sản xuất ở ruộng cấy
Ruộng cấy: Cần được cày bừa kỹ, bằng phẳng, tưới tiêu chủ động.
Phân bón ruộng cấy:
- Đối với vụ Xuân: Lượng phân bón cho 1 ha
Phân chuồng : 8-10 tấn;
Urê : 220-270 kg;
Lân super : 400-500kg;
Kalicorua : 150-200 kg.
Cách bón:
Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng + 100% lượng Super Lân + 50% lượng Urê.
Bón thúc:
+ Lần 1: Sau khi bén rễ hồi xanh cây, bón 30% lượng Urê + 50% lượng Kali Clorua.
+ Lần 2: Khi đòng phân hoá từ bước 3-5 (trước trỗ 15-18 ngày), bón số phân còn lại.
- Đối với vụ Mùa:
Phân chuồng : 8-10 tấn;
Urê : 170-220 kg;
Lân super : 400-500kg;
Kalicorua : 150-200 kg.
Cách bón:
Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng + 100% lượng Super Lân + 50% lượng Urê.
Bón thúc:
+ Lần 1: Sau khi cấy 5-7 ngày, bón 40% lượng Urê + 50% lượng Kali Clorua.
+ Lần 2: Khi đòng phân hoá từ bước 3-5 (trước trỗ 15-18 ngày), bón số phân còn lại.
Tuổi mạ cấy: Tuổi mạ cấy đối với vụ Xuân khi cây mạ được 4-5 lá đối với mạ dược; 2,5 -3 lá đối với mạ sân và mạ khay. Vụ Mùa, vụ Hè- Thu khi cây mạ được 18-20 ngày.
Kỹ thuật cấy: Cấy nông tay, nhổ mạ đến đâu cấy đến đó, không để mạ qua đêm. Vụ Xuân không được cấy vào những ngày có nhiệt độ dưới 150C. Vụ Mùa nên cấy vào những ngày mát trời.
Mật độ cấy: Mật độ 40- 45 khóm/m2, mỗi khóm cấy từ 2-3 dảnh cơ bản. Ở những vùng có trình độ thâm canh, đất tốt có thể cấy 32-35 khóm/m2 và cấy từ 1-2 dảnh cơ bản.
Tưới nước: Sau khi cấy luôn giữ 1 lớp nước mỏng 2-3 cm. Khi lúa đẻ nhánh đạt được 350- 400 dảnh/m2 thì tháo cạn nước, phơi ruộng đến nứt nẻ chân chim, sau đó thực hiện tưới tiêu xen kẽ. Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, tưới 1 lớp nước nông trong 1 tuần và tiếp tục thực hiện tưới tiêu xen kẽ sau đó.
Phòng trừ sâu bệnh:
* Rầy nâu (Nilafarvate Lugens):
Phòng trừ: Sử dụng các giống kháng rầy. Bón phân NPK cân đối. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng khi rầy 5-6 con/1 rảnh lúa phải diệt trừ kịp thời. Ruộng có nước rẽ thành luống rộng 3-4m. Sau đó dùng 15-16 lít dầu Mazut trộn với cát rồi ném đều trên mặt ruộng để dầu rơi xuống mặt nước tạo thành một lớp váng dầu. Dùng sào gạt các khóm lúa cho rầy rơi xuống mặt nước sẽ chết.
Có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau để phun: Applaud 100HN liều lượng 100kg/ha, Bassa 50 ND nồng độ 0,15%, hỗn hợp thuốc Aôlaud + Bassa liều lượng 1 kg+ 1,5 lít/ha, Dragon 585 EC, Satin 5 EC, Armada 50 EC, Jabara 25 WP, Chess 50WP, Alika 247 SC, Oshin 20WG, Áctra 252 WG theo hướng dẫn ngoài bao bì.
* Rầy lưng trắng:
Rầy lưng trắng thường xuất hiện với rầy nâu nên dễ nhầm với nhau. Rầy trưởng thành dài 5mm và có sọc trắng trên lưng. Rầy lưng trắng phá hoại nặng cũng gây nên cháy rầy.
Biện pháp phòng trừ như đối với rầy nâu.
* Sâu đục thân
Sâu nong đục thân cắn đứt hệ thống dẫn nhựa làm chết các đọt lúa trước khi trỗ bông gây nên hiện tượng bông bạc, làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng.
Phòng trừ: Cày ải phơi đất để diệt sâu và nhộng nằm trong gốc rạ. Gieo cấy đúng thời vụ để né các lứa sâu vào giai đoạn sung yếu. Sử dụng các giống lúa cứng cây. Tổ chức bẫy đèn diệt bướm hoặc ngắt các ổ trứng trong thời gian bướm ra rộ.
Phun thuốc diệt sâu khi thấy bướm ra rộ 5-7 ngày. Dùng 1 trong các loại thuốc sau đây: Padan 95 BHN Patox 95SP lượng thuốc 0,7 kg/ha. Regent 800WG Targo 800WG lượng thuốc 10-15 kg/ha, Padan 4H hoặc Basudin 10H Diazan 10H lượng thuốc 15-20 kg/ha.
* Sâu cuốn lá (Cnaphalocrocis medinalis)
Phòng trừ: Cấy với mật độ hợp lý, không cấy quá dày. Chăm sóc, bón phân giúp cho cây lúa phục hồi sau khi bị sâu hại. Mật độ sâu 10 con/m2 dùng 1 trong các loại thuốc sau đây: Padan 95 DHN lượng thuốc 0,7 kg/ha, Fenbis 25 EC, Bini 58 hoặc 40EC, Trebon 10 EC, Fastas 5 EC, lượng thuốc l lít/ 1 ha. Rigell 50 SC, Regent 800WG, Phironill 800WG, Aremec 36 EC, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn trên bao bì.
* Bệnh đạo ôn (Pyrienlaria Oiae Cav)
Phòng trừ: Không sử dụng các giống nhiễm bệnh. Sử dụng giống trước khi ngâm ủ bằng nước ấm 3 phần nước sôi, 2 phần nước lạnh trong 5-10 phút. Bón phân NPK cân đối, không bón quá nhiều phân đạm và bón quá muộn.
Dùng 1 trong các loại thuốc Kitazin 50 ND, Fuji-one 40 ND lượng thuốc 1,5 lít/ha, Kasai 16,2 SC, Alvan 6,4 SC, lượng thuốc 1 lít/ha.
* Bệnh bạc lá (Xanthomonas campestris pv Oryzae)
Phòng trừ: Sử dụng các giống kháng bệnh. Hạn chế gieo cấy lúa lai trong vụ mùa và vụ Hè Thu. Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ bằng Clorua thuỷ ngân nồng độ 1‰ trong 5 phút. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư thực vật có mầm bệnh bạc lá. Có thể dùng 1 trong các loại thuốc: Alvan 6,4 SL, thuốc “hoả tiễn” 50SP lượng thuốc 0,5kg/ha để phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày (nồng độ thuốc 15gr pha 1 bình bơm 8 lít nước).
* Bệnh khô vằn (Rhizoctonia solant kuhn)
Phòng trừ: Không cấy quá dày, không bón quá nhiều đạm, vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ tàn dư thực vật có mầm bệnh khô vằn. Phun 1 trong các loại thuốc sau đây: Validacin 3Đ, lượng thuốc 1,5 lít/ha, Anvil 5 SC lượng thuốc 1 lít/ha. Cabenzim 500 FL, lượng thuốc 0,5 lít/ha, Bumper 25 EC (Tilt) lượng thuốc 0,5 lít/ha./.
BBT
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)