Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã tác động mạnh mẽ vào quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều giống gà mới được đưa vào chăn nuôi, quy mô cũng phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp. Tuy nhiên, nuôi gà công nghiệp dù cho năng suất, sản lượng cao nhưng chất lượng thịt thì thua xa giống gà Ri địa phương. Gà nuôi công nghiệp tích nước, thịt bã nên đám cưới, đám giỗ ở quê bây giờ cũng không ai muốn dùng loại gà này làm cỗ. Mâm bày phải là thịt gà quê các “cụ” mới ăn, nếu là gà công nghiệp thì xin để lại cho gia chủ ăn dần.
Nhu cầu “sành” hơn...
Nhà quê đã thế, chốn thành thị còn “sành” hơn mấy lần. Các quán ăn ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều biển hiệu “câu khách”, kiểu như: “Gà quê Bắc Giang”, “Gà đồi Lục Ngạn”, “Gà đồi Yên Thế chính hiệu”... Không riêng Hà Nội, cả Hải Phòng, Quảng Ninh cho đến huyện đảo Vân Đồn vẫn có quán “Gà đồi Yên Thế”!.
Một lần gặp ông Bí thư Huyện uỷ Yên Thế (Bắc Giang), quê hương của giống gà nổi tiếng, tôi thắc mắc: “Phong trào nuôi gà ở huyện nhà phát triển mạnh thế nào mà “thương hiệu” quảng bá khắp nơi nơi?”. Ông Bí thư cười: “Có cầu ắt phải có cung, phong trào nuôi gà ở Yên Thế bây giờ đã chuyển từ quy mô “vườn nhà” để cải thiện bữa ăn sang nuôi hàng hoá rồi. Nhà báo lên sẽ thấy”.
Theo “tiếng gọi” của... gà, tôi bắt xe lên Yên Thế. Phố Cầu Gồ ngày cuối năm hàng hoá tràn ngập, không khí Tết đã tràn về phố huyện miền núi. Hàng bánh kẹo, hàng điện tử... người mua kẻ bán tấp nập. Sự no đủ hiện rõ trên nét mặt mỗi người.
Người được Huyện uỷ giới thiệu để “làm việc” với tôi là Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT. Chị cho tôi xem bản đề án “Phát triển mô hình nuôi gà giống địa phương”. Theo chị Xuân, giống gà Yên Thế được lai tạo từ gà ri, gà Hồ, gà Đông Cảo. Gà Yên Thế có màu lông đỏ, chân vàng, mào đỏ, thịt chắc thơm. Yên Thế chọn gà là con chủ lực của chương trình đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong cơ cấu nông nghiệp vì nuôi gà vốn là tập quán quen thuộc của người dân nơi đây. Thêm vào đó, địa phương có nhiều đồi núi, mật độ dân số thấp, ít dịch bệnh, hộ ít vốn cũng có thể phát triển chăn nuôi. Và điều quan trọng nhất, nhu cầu ngày càng cao của thị trường là “lực đẩy” giúp phong trào này phát triển. Chị Xuân cho biết: “Với những lợi thế sẵn có, huyện rất “nhàn” vì khi triển khai đề án chỉ còn việc tổ chức giúp đỡ nông dân cách tạo giống gà địa phương tại chỗ; kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước xây dựng thương hiệu gà đồi trên thị trường nội địa”.
“Phất” nhờ gà
Nhờ những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, từ chăn thả quy mô nhỏ lẻ, đến nay Yên Thế đã đưa gà “lên đồi” với tổng đàn trên 3 triệu con. Đặc biệt, ở các xã vùng cao như Xuân Lương, Canh Nậu, Tiến Thắng, tốc độ phát triển của đàn gà nhanh đến chóng mặt. Ông Chu Văn Phặt, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu hào hứng: “Xã có 1.322 hộ thì có trên 90% số hộ nuôi gà hàng hoá. Gia đình ông Nguyễn Xuân Hưng ở bản Thia nuôi mỗi lứa 7.000 con gà, ông Nông Văn Cường ở bản Chay nuôi 3.000 con... Những hộ nuôi quy mô hàng nghìn con ngày càng tăng”.
Đoàn cán bộ xã Canh Nậu đưa tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Đông. Chị Đông có 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng và 5.000m2 đồi rừng. Gia đình nuôi 2.000 con gà, trong đó có 1.000 con là gà kế cận. Mỗi năm, chị Đông xuất 5 lứa gà, mỗi lứa thu 60 – 70 triệu đồng, trừ tiền giống, mua thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh, lãi 10 – 15 triệu đồng/lứa, số tiền không nhỏ đối với một gia đình ở vùng đất khắc nghiệt này.
Trước khi chia tay, ông Tần Hồng Tín, Bí thư Đảng uỷ xã tranh thủ “khoe” với tôi: “Nhờ có gà đồi, Canh Nậu hết đói rồi. Xã có gần 1/2 số hộ lắp máy điện thoại cố định, nếu tính cả máy di động thì hầu như nhà nào cũng có”.
Cuối giờ chiều, tôi qua chợ Canh Nậu, cảnh mua bán vẫn tấp nập. Tiếc vì thời gian eo hẹp, nếu không, tôi sẽ ở lại thưởng thức gà đồi “chính hiệu” và nhâm nhi ly rượu ngày xuân...
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)