* Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)
Triệu chứng: là loại sâu phá hoại vào thời kỳ lộc non, nhất là đợt lộc Xuân. Sâu non nở ra ăn các lớp biểu bì trên lá non, cành non, quả non tạo thành các lớp ngoằn nghoèo có phủ sáp trắng, lá non xoăn lại cuối đường cong vẽ trên mặt lá có sâu non bằng đầu kim.
Phương pháp phòng trừ: phun thuốc Polytrin 25ml/10lít nước hoặc Selecron 25ml/10lít nước; phun phòng 1-2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất (lúc lộc non dài từ 1-2cm, quả non có đường kính vanh 2 – 3 cm); phun ướt hết mặt lá non, quả non.
* Rầy chổng cánh(Diaphorina citri)
Triệu chứng: trưởng thành chích hút lá non, đọt non, cành non là môi giới truyền bệnh vân vàng lá.
Phương pháp phòng trừ:
- Không nên trồng các cây cảnh thuộc họ cam quýt gần các vườn cây bưởi Diễn có cây đầu dòng.
- Cắt tỉa cành, điều khiển các đợt lộc ra tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rầy chổng cánh.
- Hủy bỏ những cây bị bệnh vàng lá Greening trong vườn đem tiêu hủy để giảm nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe.
- Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch trong vườn phát triển.
- Phun thuốc khi cây ra đọt non tập trung, có thể dùng các loại thuốc: Phun bằng thuốc Trebon 0,2%, Sherpa 0,2% khi xuất hiện hoặc cung tên 100g/16 lít nước.
* Nhện đỏ (Panonychus citri)
Triệu chứng:phát sinh quanh năm hại lá là chính, chủ yếu vào vụ Đông Xuân. Nhện đỏ rất nhỏ, màu đỏ thường tụ tập thành những đám nhỏ ở dưới mặt lá, hút dịch lá làm cho lá bị héo đi.
Phương pháp phòng trừ: dùng thuốc: Comite 10ml/10lít nước; Furmite:12ml + 30ml dàu khoáng SK hoặc Ortus Pegasus; ACplant 4.CT; Longph ABA 5.EC; Newsodant 5.3EC hoặc thuốc có chứa hoạt chất Abamectin kết hợp với dầu khoáng trừ sâu… phun ướt cả mặt lá dưới và phun lúc cây ra lộc non; phun ướt toàn bộ quả non và phun lúc cây bưởi Diễn đầu dòng sau tắt hoa đậu quả 15 – 20 ngày để phòng ngừa.
* Nhện trắng (Phyllocoptura oleivora)
Triệu chứng: phát sinh chủ yếu trong thời kỳ khô hạn kéo dài vài tháng (trời âm u hoặc cây bị che bóng bởi các cây khác). Nhện trắng là nguyên nhân chủ yếu gây ra rám quả, các vết màu xám trắng ở trên vỏ quả. Nhện trắng làm lá non và búp non chùn lại.
Phương pháp phòng trừ: phòng trừ như nhện đỏ
* Rệp muội xanh(Aphis spiraecola) và rệp muội nâu đen(Toxoptera aurantii)
Triệu chứng: rệp muội xanh Aphis spiraecola (A. citricola) và loài rệp muội nâu đen Toxoptera aurantii là 2 loài gây hại phổ biến với mật độ cao trên cây bưởi Diễn, chúng thường gây nên hiện tượng lá vàng úa, phủ kín muội đen, dẫn đến giảm khả năng quang hợp, năng suất cũng như chất lượng quả. Rệp muội gây hại chủ yếu trên lá non, cành non, lá bị xoắn rộp lên, rệp tiếp nước nhờn khiến lá bị muội đen.
Phương pháp phòng trừ:
- Cắt tỉa cành, điều khiển các đợt lộc ra tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rệp muội.
- Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch trong vườn phát triển.
- Dùng thuốc Cung tên 100g/16l nước, Suprasite 20ml/10l nước; Sherpa hoặc Trebon với nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất phun trong 1-2 lần ở thời kỳ lộc non.
* Rệp sáp (Planococcus citri)
Triệu chứng: rệp sáp gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Gây hại chủ yếu vào mùa nắng. Mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây.
Phương pháp phòng trừ: sử dụng thuốc hóa học gốc Lân hữu cơ có hiệu quả đối với rệp sáp, không nên sử dụng liên tục một loại thuốc nhất định, nên sử dụng thuốc phối hợp thuốc hóa học với Dầu khoáng DC-Tronc Plus (0,5%); dùng Sherpa, Suprathion, Trebon... phun trong 1-2 lần ở thời kỳ lá non, quả non.
* Sâu đục gốc(Anoplophora chinensis)
Triệu chứng: sâu đục gốc còn gọi là xén tóc sao hay xén tóc hoa vì trên thân có điểm khoảng 30 chấm trắng. Con trưởng thành thường ăn các phần non của cây, đặc biệt là rễ non trước khi đẻ trứng vào tháng 5 - 6. Trước khi đẻ, xén tóc sao cắn vào gốc cây một vết hình chữ T ngược rồi đẻ trứng vào đó. Sau 6-12 ngày thì trứng nở, sâu non di chuyển xuống phía dưới gốc, phá hại phần gốc, rễ cây tiếp giáp với thân. Đầu tiên sâu hại vỏ, sau đó đục vào phần gỗ. Nhiều khi sâu đục cả những rễ to, làm cây héo toàn bộ, rụng lá và chết.
* Sâu đục thân(Nadezhdiella cantori)
Triệu chứng: sâu đục thân là xén tóc nâu. Xén tóc nâu thích nơi râm mát, ban ngày ẩn nấp, ban đêm thường tìm đến đẻ trứng vào những kẽ nứt, chỗ gồ ghề ở thân cây, cách mặt đất 0,3 - 1m. Trong các tháng 5-6-7, sau khi đẻ 6-12 ngày, trứng sẽ nở. Sâu non nở ra chui vào vỏ, phá hoại phần gỗ, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dọc theo thân cây.
* Sâu đục cành (Chelidonium argentatum)
Triệu chứng: sâu đục cành là con xén tóc xanh. Xén tóc xanh thường đẻ trứng vào tháng 5-6 trên các nách lá ngọn, cành tăm. Sau 10-12 ngày sâu nở, bắt đầu gặm vỏ cành để sống, đục phá từ cành nhỏ đến cành lớn và cả thân cây. Trên thân cây có thể bị hàng chục con sâu đục cành, nếu 2-3 năm liền bị hại, cây sẽ chết.
Phương pháp phòng trừ sâu đục gốc, đục thân và đục cành:
- Quét vôi hàng năm vào gốc cây và cành cấp 1.
- Thăm vườn thường xuyên, bắt xén tóc trưởng thành, bắt sâu non.
- Dùng thuốc Supracide hoặc Ofatox nồng độ 1-1,5/1000 bơm vào lỗ đục của cây sau đó dùng đất sét bịt miệng lỗ lại. Kết hợp phun các loại thuốc lên trên cây để diệt trứng.
* Ruồi vàng(Bactrocera dorsalis)
Triệu chứng: trên quả bị gây hại có thể quan sát thấy những lỗ nhỏ khoảng 1mm. Thông thường có giọt gôm nhỏ từ trong lỗ chảy ra. Sau khi bị gây hại, vết bệnh bắt đầu thối trở thành màu nâu. Ruồi vàng (nhỏ hơn con ruồi thường) màu vàng, xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm.
Phương pháp phòng trừ: sử dụng thuốc diệt ruồi vàng đục trái Vizibon D: Hộp nhỏ chứa 2 chai thuốc gồm 1 chai lớn (chất dẫn dụ ruồi) và 1 chai nhỏ (chất diệt ruồi). khi sử dụng mở nắp 2 chai thuốc. Đổ hết thuốc diệt ruồi vào chai chất dẫn dụ, đậy nắp kín, lắc đều. Sau đó tẫm khoảng 1ml hỗn hợp thuốc đã trộn vào bẫy, treo lên cây. Treo từ 2-3 bẫy cho mỗi 1000m2. Sau 20 ngày treo, đỗ hết xác ruồi chết, tẫm thuốc mới vào bẫy, tiếp tục treo lên cây.
* Bệnh loét (Xanthomonas campestris)
Triệu chứng: Trên lá xuất hiện các vết bệnh màu nâu, có thể lốm đốm hoặc dày đặc trên mặt lá, hình tròn, bề mặt vết bệnh sần sùi, gồ ghề. Nếu bệnh xuất hiện trên cành thì sẽ nhìn thấy các đám sần sùi như ghẻ lở, màu vàng hoặc nâu. Cành bị nhiều vết bệnh sẽ bị khô và chết, thời kỳ mang quả bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Năm nào mưa nhiều kèm thời tiết nóng ẩm bệnh phát mạnh thành dịch.
Phương pháp phòng trừ: phun boocdo 1% (15g suphatdong +20g vôi tôi/12lít nước) hoặc Kocide: 35g/10 lít nước, Oxyclorua Đồng.
*Bệnh sẹo (Elsinoe fawcetti)
Triệu chứng: lá và quả có những nốt nổi gồ ghề màu nâu, thường gây hại lá và quả lúc còn nhỏ. Vết bệnh tạo thành những nốt ghẻ nhỏ cao trên bề mặt lá, thường lộ mặt dưới của lá, vết bệnh có màu vàng rơm, nhiều vết bệnh liên kết lại thành từng mảng lớn làm cho lá bị nhăn nheo biến dạng, cây sinh trưởng kém, cằn cỏi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa theo các đợt lá và chồi non
Phương pháp phòng trừ: cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận cây bị nhiễm bệnh. Phun định kỳ các loại thuốc trừ nấm theo các đợt lá, chồi non như Kumulus hay các loại thuốc gốc đồng như Kasuran, Kocide, Coc 85. Các biện pháp khác áp dụng như đối với bệnh loét.
* Bệnh chảy gôm (Phytophthora sp)
Triệu chứng: bệnh thường phát sinh ở phần gốc cây, cách mặt đất khoảng 20-30cm trở xuống cổ rễ và phần rễ. Giai đoạn đầu bệnh mới phát sinh thường vỏ cây bị nứt và chảy nhựa (chảy gôm). Bóc lớp vỏ ra, ở phần gỗ bị hại có màu xám và nhìn thấy những mạch sợi đen hoặc nâu chạy dọc theo thớ gỗ.
Phương pháp phòng trừ:
- Đối với vết hại cục bộ phần thân gốc: Cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc Aliette nồng độ 0,5% quét vào vết bệnh.
- Đối với những cây có biểu hiện triệu trứng nhẹ cần phun Aliette nồng độ 0,3% lên toàn bộ cây.
4. Sử dụng phân vi lượng và các chất điều hoà sinh trưởng.
Trong thực tế sản xuất hiện nay các vườn bưởi được trồng trong vườn với thời gian dài, việc chăm sóc thường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật do vậy đất bị thoái hoá không đủ dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm, ma-nhê vv.., hoặc bị tích tụ các chất độc làm cây sinh trưởng kém, cằn cỗi, phát sinh những bệnh sinh lý, ra hoa đậu quả kém, thậm chí gây mất mùa liên tục, cần phải có sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật để phát hiện và xử lý các trường hợp trên.
Trường hợp thiếu các loại phân vi lượng có thể dùng các hợp chất tương tự để phun qua lá vào thời diểm thích hợp
- Thiếu Magiê: Dùng Nitrat magiê 100g trong 10 lít nước phun ướt lá.
- Thiếu Kẽm : Dùng 100 gam Sunfat kẽm pha trong 100 lít nước phun vào thời kì lộc xuân.
-Trường hợp thiếu đồng, có thể phun boocđo 1 - 2 % kết hợp trừ bệnh, hoặc dùng oxyt clorua đồng 400 g pha trong 100 lít nước
Thời kì sau đậu quả 1 - 2 tuần phun các chất điều tiết sinh trưởng kết hợp với các chất dinh dưỡng và vi lượng để tăng tỉ lệ đậu quả và xúc tiến nhanh quá trình lớn quả, giảm số hạt và làm đẹp mã quả. Đối với các vùng trồng bưởi ở vùng bưởi Hiệp Hoà có thể sử dụng laọi phân vi lượng Canxi – Bo, Komix BFC 201, Bortrac, Atonik 1.8DD, chất điều tiết sinh trưởng như GA3 nồng độ 30-70ppm và axit Boric nồng độ 0,1% để phun cho bưởi Diễn. Ngoài ra có thể phun phân bón lá Flower 95(15g/8 lít) + Bortrac(10g/8lít) sau khi ra hoa. Sau khi tắt hoa phun phân bón lá Sao vàng 15 siêu lớn trái cam quýt bưởi, phân bón lá lớn trái của hãng Toba.
VI. Thu hoạch quả
- Thời gian từ 25/12 đến 25/01 (Dương lịch) năm sau. Độ chín thích hợp để thu hái được căn cứ vào một số chỉ tiêu sau:
+ Sự biến đổi màu sắc vỏ quả khoảng trên 50%
+ Hàm lượng chất khô hoà tan( độ Brix): 10,0 trở lên.
+ Chỉ số E/A( Đường tổng số/ axit tổng số): Trên 10
- Khi hái quả phải dùng kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ, gẫy cành, rụng lá, quả để ở nơi thoáng mát phân loại chờ vận chuyển đến nơi bảo quản và tiêu thụ.
BBT
- Cách phòng bệnh ghẻ trên cây có múi (11-11-2022)
- Quản lý sâu bệnh gây hại chính trên cây chanh leo (09-06-2021)
- Kỹ thuật phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa mùa (19-03-2021)