Chè là cây lâu năm, trồng một lần cho thu hoạch 30 - 40 năm. Để có nương chè năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài đòi hỏi người trồng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.Thời vụ: Trồng tháng 2 - 3 dương lịch.
Đất trồng: Chọn đất có tầng canh tác dày trên 70cm, độ dốc dưới 25 độ, pH 4,5 - 5,5 và tỷ lệ mùn tổng số trên 2%. Có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt, độ sâu mực nước ngầm trên 1m.
Thiết kế đồi (nương): Các đồi phải nằm trong quy hoạch tổng thể chung của vùng. Đồi chè là căn cứ để bố trí hàng nhằm tận dụng tối đa diện tích, thuận tiện tưới tiêu, chống xói mòn.
Lô: Lô tối thiểu có chiều ngang 20 - 30 hàng, dài 50 - 100m; tối đa chiều ngang 40 - 50 hàng, dài 100 - 150m. Lô quá to sẽ bất tiện cho việc chăm sóc, lô quá nhỏ sẽ mất hàng chè vào đường đi.
Hàng: Hàng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và tuổi thọ nương chè. Nơi có độ dốc bình quân dưới 6 độ thiết kế hàng theo đường bình độ chính. Độ dốc trên 6 độ bố trí hàng theo đường đồng mức.
Thiết kế đường thuận tiện cho đi lại, chăm sóc đồi chè, vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch. Đường phải có hệ thống thoát nước (trừ đường lô, đường chăm sóc phụ).
Làm đất: Làm đất vào cuối mùa mưa để đảm bảo độ ẩm và tránh xói mòn, sau đó đánh gốc bốc trà, dọn sạch cỏ dại. Làm đất kịp thời vụ, thực hiện đất chờ cây, sau đó gieo cây phân xanh.
Đất phải được làm sạch cỏ dại, không có đá, gốc cây to, san phẳng thuận tiện cho canh tác. Nên cày sâu 40 - 45cm.
Đào rạch: Miệng rạch rộng 50 - 55cm, đáy rộng 40 - 45cm, sâu 40cm. Gieo cây phân xanh vào giữa 2 hàng chè với lượng hạt 10 -12kg cốt khí/ha, bón bổ sung 100kg supe lân + 30kg urê.
Bón lót: Phân hữu cơ: 20 - 25 tấn/ha, supe lân 500 - 600 kg/ha. Phân hữu cơ + phân lân trộn đều với đất rải mỏng theo rạch, bón trước khi trồng 1 tháng.
Chọn giống: Trồng các giống chè nhập từ Trung Quốc như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc… Cây giống khi xuất vườn phải đủ 8 - 10 tháng tuổi trong vườn ươm, cao 20 - 25cm, có từ 6 lá thật trở lên, đường kính gốc trên 2,5mm, thân hoá nâu 1/2 chiều cao cây trở lên, cứng cây, nguyên bầu đất, không lẫn giống, không bị sâu bệnh.
Mật độ - khoảng cách: Giống có lá nhỏ, thân bụi như Kim Tuyên, Thuý Ngọc... trồng 2,5 - 2,7 vạn cây/ha, hàng cách hàng 1,2 - 1,3cm, cây cách cây 0,3m. Giống lá to, thân gỗ nhỏ như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... trồng 2,0 - 2,2 vạn cây/ha, hàng cách hàng 1,3m, cây cách cây 0,35 - 0,4m.
Cách trồng: Tranh thủ những ngày có mưa, đất đủ ẩm để trồng chè.
Trên rạch đã đào và phân đã được lấp tiến hành bổ hố sâu và trồng theo đúng mật độ, khoảng cách. Dùng dao rạch bầu PE, tránh làm giập nát biến dạng bầu đất. Đặt bầu đứng, chóp lá hướng về phía Tây đối với nương chè có diện tích nhỏ. Nếu độ dốc cao thì đặt bầu đứng, phần thân nghiêng dựa vào sườn đất. Lá mẹ chừa trên mặt đất, lấp toàn bộ cổ rễ và lấp chặt đất xung quanh.
Sau khi trồng xong phải phủ cỏ quanh gốc. Đảm bảo duy trì ẩm độ 80 - 85%. Thường xuyên kiểm tra và trồng dặm. Đảm bảo trên rạch chè luôn sạch cỏ dại.
Chăm sóc và thu hái chè:
Khoảng tháng 3-4 hàng năm là thời gian thích hợp để chăm sóc và thu hái chè vụ xuân. Để chè luôn đạt năng suất, chất lượng cao, bà con nên chú ý những biện pháp kỹ thuật sau:
Làm cỏ: Đối với chè kiến thiết cơ bản (KTCB), thường xuyên làm sạch cỏ.
Với chè kinh doanh, làm cỏ trên toàn bộ nương chè, dùng cuốc hoặc tay móc cỏ ở gốc, xới sạch cỏ giữa 2 hàng chè, sau đó tủ cỏ vào gốc để giữ ẩm. Nếu có điều kiện, cày giữa 2 hàng chè để đất tơi xốp. Phát quang bụi rậm quanh đường lô, đường ven đồi chè nhằm hạn chế sâu bệnh trú ngụ.
Đối với chè trồng cải tạo thay thế, bà con cần đốn 2 bên hàng chè cũ để chè trồng mới không bị ảnh hưởng.
Bón phân: Sau khi làm cỏ xong, tiến hành bón phân cho chè với lượng 20 tấn phân hữu cơ + 300kg supe lân/ha. Cày rạch rộng 20cm, sâu 30cm, bón phân lấp kín đất.
Chè KTCB 2 – 3 năm sau trồng (tính cho 1ha):
- Chè 1 tuổi: 130kg urê + 250kg supe lân + 90kg kali.
- Chè 2 tuổi: 195kg urê + 250kg supe lân + 120kg kali.
- Chè 3 tuổi: 260kg urê + 333kg supe lân + 180kg kali.
Chè kinh doanh: Với nương chè năng suất 4-6 tấn búp/ha, lượng phân bón là 200-240kg urê + 200 – 300kg lân + 120 – 160kg kali. Năng suất chè càng cao thì lượng phân bón càng lớn. Cách bón:
+ Đạm 1 năm bón 4 lần vào các tháng 2 (40%), tháng 5 (30%), tháng 8 (20%), tháng 10 (10%).
+ Kali 1 năm bón 3 lần vào tháng 5 (40%), tháng 8 (40), tháng 10 (20%).
+ Supe lân: 1 năm bón 2 lần vào tháng 2 (50%), tháng 8 (50%). Trộn đều phân, bón sâu 6-8cm, sau đó lấp kín đất.
Trồng cây che bóng: Chè ưa ánh sáng tán sạ vì vậy cần bố trí cây che bóng trên nương chè hợp lý bằng cây muồng, mật độ 120 – 150 cây/ha. Cách 4 hàng chè trồng một hàng cây bóng mát, cây cách cây 10m.
Thu hái:
- Chè 1 tuổi: Chỉ hái những cây cao trên 60cm.
- Chè 2 tuổi: Vẫn để bộ lá nuôi cây, hái nhẹ những cành cao trên 65cm.
- Chè 3 tuổi: Bắt đầu hái nhưng vẫn phải nuôi tán, lần hái đầu rất quan trọng, chỉ được hái những búp cao trên 65cm (hái 1 tôm và 2-3 lá non). Những cành thấp đọt chưa đủ lá, không hái.
Với chè kinh doanh, bà con cần thực hiện hái san trật khi trên tán có 30% số búp đủ tiêu chuẩn. Vụ xuân (tháng 3-4), hái 1 tôm và 2-3 lá non, để lại trên tán 2 lá chừa. Nếu chè tốt có thể chừa lại 1 lá, chè xấu chừa 3 lá nhằm tạo bộ tán hợp lý nuôi cây, những búp vượt giữa tán, hái sát lá cá hoặc để lại một lá chừa tạo mặt tán phẳng giúp cho các lứa sau sinh trưởng đồng đều. Bà con không được dùng dao, kéo để hái chè vì gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và quá trình sinh trưởng của các lứa chè sau.
BBT