Theo Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có tổng đàn gà trên 210 triệu con, trung bình một con gia cầm thải 0,1kg/con/ngày thì một ngày lượng chất thải từ chăn nuôi gà trên 21 ngàn tấn/ngày nghĩa là trong một năm đàn gà của cả nước đã tạo ra khối lượng chất thải gần 7,7 triệu tấn. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, số lượng được xử lý rất ít. Ô nhiễm do chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng nặng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất và ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt từ năm 2003 đến nay, dịch cúm gia cầm bùng phát tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước các cơ quan chức năng đã phải tiêu huỷ trên 40 triệu con gà các loại, thiệt hại ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đứng trước thực trạng trên nhiều nhà khoa học đã đưa ra giải pháp nghiên cứu, xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm BALASA No.1 để tạo đệm lót sinh thái trong chăn nuôi" do Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuấn – nguyên giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
 
Dịch bệnh phát sinh do khâu vệ sinh chăn nuôi kém được hình thành khi lượng chất thải gia súc, gia cầm ô nhiễm đã tạo nên các loại khuẩn có hại như: Trong mỗi gam phân gà có chứa 10.000 khuẩn E.coli, 1.000 khuẩn Salmonella và 10.000 trứng giun. Đây là các tác nhân gây bệnh như virut cúm A/H5N1 truyền từ gà sang người…. Ngoài mầm bệnh, chất thải chăn nuôi còn ảnh hưởng đến môi trường. Bắc Giang hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng đàn gà với gần 20 triệu con, riêng huyện Yên Thế có tổng đàn gà lớn nhất cả nước khoảng 13-14 triệu con/năm. Hộ gia đình nuôi quy mô trang trại từ 1000 con trở lên chiếm trên 50% tổng đàn. Chăn nuôi gà ở Bắc Giang chủ yếu theo phương pháp thả vườn, chính vì vậy chất lượng sản phẩm gà được khách hàng nhiều tỉnh thành phố ở Miền Bắc sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên cùng với hiệu quả kinh tế đem lại cho người nông dân từ việc chăn nuôi gà thì tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
 
Trước điều kiện thực tế đó, Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang) thí điểm triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm BALASA No1 làm đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gà với quy mô 200 m2 tại huyện Yên Thế, Lạng Giang. Các hộ gia đình tham gia mô hình làm đệm lót sinh thái được hỗ trợ về nguyên liệu làm đệm lót, tập huấn kỹ thuật. Khi đưa đệm lót sinh thái vào sử dụng không chỉ khẳng định được hiệu quả về mặt kinh tế mà môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Từ thành công của mô hình năm 2009, năm 2011- 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nhân rộng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang thực hiện tại huyện Yên Thế và Tân Yên. Trong  đó, mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ bằng đệm lót sinh thái tại các xã Tân Hiệp, Đồng Tâm, Phồn Xương của huyện Yên Thế với quy mô 12.500 m2 chuồng nuôi tại 229 hộ gia đình tham gia. Khi sử dụng nền đệm lót lên men vi sinh vật, phân và chất thải được phân hủy thường xuyên, làm cho không khí chuồng nuôi sạch sẽ và khô ráo hơn, giúp ngăn ngừa các mầm mống dịch bênh, hạn chế nguy cơ phát dịch, từ đó nâng cao tỷ lệ nuôi sống của gà. Đặc biệt một số chỉ tiêu kỹ thuật và môi trường cũng cho thấy, hàm lượng khí thải NH3, H2S tại các chuồng nuôi gà bằng đệm lót sinh thái thấp hơn 2,67-3 lần so với chuồng nuôi không sử dụng nền đệm lót sinh thái, nhờ đó đã giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Ngoài những ưu điểm trên, chăn nuôi công nghệ đệm lót sinh thái còn giúp giảm khoảng 80% công lao động do trong suốt quá trình nuôi người chăn nuôi không phải dọn chuồng; giảm chi phí tiền điện, tiền mua thuốc thú y; không gây ô nhiễm môi trường chuồng nuôi cũng như môi trường xung quanh.
 
Hiện nay sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi đã được ứng dụng tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền chuồng đệm lót sinh học bằng chế phẩm BALASA No1 không những tận dụng được các phụ phẩm công nông nghiệp như trấu, mùn cưa, lõi ngô… mà còn là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao cho người chăn nuôi./.
 
Hoàng Thoa