Công trình biogas được Dự án LCASP hỗ trợ đã giúp gia đình vợ chồng anh Cường yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi
Theo phương thức chăn nuôi truyền thống, lượng chất thải trong chăn nuôi lợn thường được người dân ủ để bón ruộng, trồng ngô, rau hoặc thải trực tiếp ra ao hồ, kênh, mương gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2014 Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp đã triển khai xây dựng hầm khí biogas cho hàng nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Công trình không những giải quyết tốt vấn đề môi trường, còn giúp người chăn nuôi có thêm chất đốt, giảm đáng kể chi phí sinh hoạt cho các hộ dân.
Nằm trong khu dân cư đông đúc, gia đình anh Đào Ngọc Cường thôn Trại Mới - xã Ngọc Châu - huyện Tân Yên duy trì chăn nuôi 10 con lợn đực giống mỗi năm. Trước đây, toàn bộ chất thải chăn nuôi của gia đình không được xử lý mà xả thẳng vào mương nước, ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình cũng như các hộ dân xung quanh. Dù nhiều lần có ý định mở rộng chuồng trại chăn nuôi thêm mà không thực hiện được do không có khu xử lý chất thải. Sau khi được cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền gia đình anh chị mạnh dạn đăng ký tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP). Nhờ được hỗ trợ, gia đình anh Cường đã xây dựng hầm khí biogas và mua các thiết bị phụ trợ khác. Sau khi đưa vào sử dụng hầm khí biogas, chất thải từ chuồng lợn của gia đình đều được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ khi có hầm biogas, việc chăn nuôi của gia đình thuận lợi hơn. Hiện tại, gia đình anh Cường đang mở rộng chuồng trại để chăn nuôi thêm 10 nái lợn để phát triển kinh tế. “Gia đình đã vay thêm vốn ngân hàng 300 triệu để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Giờ có biogas rồi không còn hôi thối, dân xung quanh không kêu nữa thì mới tăng quy mô đàn”, anh Cường chia sẻ.
Cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ Dự án, chị Phùng Thị An thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên chia sẻ, từ khi sử dụng hầm biogas, chất thải từ chuồng trại của gia đình tôi được xử lý triệt để, gia đình còn có thêm khí đốt để đun nấu. Tính ra mỗi tháng gia đình tiết kiệm được 400.000 - 500.000 đồng/tháng từ nguồn năng lượng biogas tự sản xuất.
Tham gia Dự án LCASP, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng và sử dụng công trình hầm khí sinh học biogas. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Riêng với huyện Tân Yên, ông Nguyễn Tú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, đến nay, Dự án LCASP đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn hơn 800 công trình biogas cỡ nhỏ, vừa cho các hộ chính sách, hộ chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn. Các công trình đã đi vào hoạt động và phát huy được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Ngoài ra, các công trình biogas còn tạo nguồn năng lượng sạch cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/