Ông Đỗ Minh Thực thôn Bình Tân xã Khám Lạng huyện Lục Nam vui vẻ giới thiệu hầm biogas rộng 60m3 được Dự án LCASP hỗ trợ xây dựng đang hoạt động tốt
Các công trình biogas do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) hỗ trợ người dân chăn nuôi trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực về mặt môi trường. Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khám Lạng, huyện Lục Nam đang có xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc sang chăn nuôi gia cầm như gà, vịt… thì công trình khí sinh học tiếp tục được áp dụng. Mô hình chăn nuôi vịt trên cạn đạt được nhiều về lợi ích kinh tế cũng như hiệu quả về môi trường.
Ông Đỗ Minh Thực thôn Bình Tân – xã Khám Lạng – huyện Lục Nam là một trong các hộ chăn nuôi vịt đẻ trên địa bàn áp dụng nuôi trên cạn có sử dụng hầm biogas xử lý chất thải. Ông Thực chia sẻ, gia đình ông được Dự án LCASP hỗ trợ xây sựng hầm biogas 52,2m3 để xử lý nước thải từ chuồng nuôi vịt đẻ. Lợi ích trực tiếp khi áp dụng công trình biogas vào nuôi vịt trên cạn đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường khi toàn bộ chất thải vịt đều được xả xuống hầm biogas. Việc này cũng giúp gia đình ông tiết kiệm được nước và cả công dọn chuồng từ 3-5 tiếng xuống còn 30 – 45 phút mỗi ngày.
Từ khi có hầm biogas nuôi vịt đẻ trên cạn vừa sạch sẽ lại có gas dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Với 2.500 vịt đẻ duy trì liên tục, khí gas sản sinh từ hầm biogas được dùng làm chất đốt, giúp gia đình ông Thực tiết kiệm được 400.000 – 500.000 đồng/tháng. “Dùng hầm biogas của Dự án, gas nhiều gia đình tôi dùng không hết nên chia cho 3 hộ xung quanh cùng dùng chung, đun nấu thoải mái” ông Thực vui vẻ chia sẻ.
Từ sự sẻ chia giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày với các hộ dân xung quanh của gia đình ông Thực đã làm tăng tình đoàn kết giữa cộng đồng khu dân cư nơi đây.
Ngoài khí gas được dùng làm chất đốt trong sinh hoạt, ông Thực còn sử dụng nước sau biogas tưới cho cây trồng thay thế phân bón cho 5 sào vải thiều sớm của gia đình. Từ đó, giúp gia đình ông Thực tiết kiệm được khoảng 20 triệu tiền phân bón cho cây vải hàng năm. Cũng theo ông Thực, “nếu như trước đây nước thải của vịt chưa có hầm biogas mà đem tưới trực tiếp cho cây thì cây trồng dễ bị nấm bệnh nên không sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng được. Qua sử dụng hầm biogas, nước thải sau khi xử lý chủ yếu là nước không có bã phân, việc bơm lên bón cho cây vải vừa nhanh gọn, không tốn công, tiết kiệm được thêm chi phí mua phân bón. Trong thời gian tới, gia đình có ý định mở rộng thêm diện tích trồng khoai sọ và trồng hoa để tận dụng hết được nguồn phân thải này”.
Giờ đây, nhờ hầm biogas đàn vịt đẻ 2.500 con phát triển khỏe mạnh cho thu hoạch đều đặn 2.100 – 2.300 quả trứng/ngày, với giá bán 20.000 – 25.000 đồng/chục quả, mỗi năm gia đình ông Thực thu về 300 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thủy – Cán bộ Khuyến nông xã Khám Lạng cho biết, công trình khí sinh học áp dụng trong chăn nuôi vịt đẻ không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các hộ xây lắp hầm biogas đã xử lý tốt vấn đề chất thải chăn nuôi, từ đó có thêm nguồn lợi chất đốt và hơn thế nữa còn có nguồn phân bón hữu cơ dồi dào bón cho cây trồng. Từ việc được Dự án LCASP hỗ trợ hầm biogas cho thấy người chăn nuôi cũng dần ý thức hơn trong công việc quản lý, sử dụng tài nguyên chất thải trong chăn nuôi, dần hình thành nên tư duy sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Với hiệu quả thấy rõ, mô hình có khả năng nhân rộng trên địa bàn.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/
- Chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị (15-08-2024)
- Những lưu ý trong nuôi gà đẻ trứng sạch (20-06-2024)
- Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP (06-12-2023)