Từ ngày có hố ủ phân, gia đình chị Quyên vừa có phân bón hữu cơ bón cho cây trồng vừa giải quyết được bài toán tránh ô nhiễm môi trường khi chăn nuôi.
Do nhu cầu mở rộng sản xuất, tăng đàn vật nuôi của nhiều hộ dân hiện nay dẫn đến quá tải hầm khí sinh học, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) tỉnh đã và đang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng hố ủ phân, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sĩ, chị Phạm Thị Quyên ở thôn Chùa, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế bắt đầu nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2007 với 100 con lợn mỗi năm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Quyên cho biết, năm 2019, gia đình anh chị nuôi gần 100 con lợn thịt, 2 con lợn nái, xuất bán ra thị trường hơn 4 tấn lợn hơi, giá bán trung bình là 80.000 đồng/kg, đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng.. Năm nay, anh chị đang nuôi hơn 40 con lợn thịt và 4 con lợn nái, giá lợn hiện đang tăng cao nên dự kiến anh chị sẽ tiếp tục vào đàn. Theo đó, ngay từ khi xác định chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình anh chị đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, tránh ô nhiễm môi trường. Nhưng những năm gần đây, anh chị mở rộng chăn nuôi, chất thải của lợn thải ra nhiều, hầm biogas quá tải, hàng ngày chị Quyên phải hót phân ra ngoài, rắc vôi lên trên nhưng vẫn không khử hết mùi hôi thối, chưa kể lúc trời mưa hoặc bị vịt gà bới tung tóe, gây ô nhiễm môi trường nặng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe gia đình và mọi người xung quanh.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2020 anh chị tìm hiểu và đăng kí xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp của Dự án LCASP và được Dự án hỗ trợ xây 01 hố ủ phân 50 m2. Từ khi có hố ủ, hàng ngày, chị hót phân sau đó trộn trấu, rắc men theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật LCASP nên không còn mùi hôi thối bốc lên toàn bộ chất thải rắn trong nuôi lợn đã được xử lý triệt để, không còn hiện tượng quá tải của hầm biogas, chuồng trại vừa sạch sẽ lại có phân hữu cơ bón cho cây trồng trong vườn. Phân lợn sau khi ủ từ 1-2 tháng sẽ tơi xốp, không có mùi, đem bón cho vườn cây ăn quả, cây không bị xót rễ, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, sạch bệnh.
Anh Thân Văn Hiển - cán bộ KNCS xã Tân Hiệp - Kỹ thuật viên của Dự án LCASP tại huyện Yên Thế cho biết, ngoài hỗ trợ xây dựng hầm biogas cho các hộ chăn nuôi thì những năm gần đây, Dự án LCASP đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã và được bà con nhiệt tình đón nhận bởi hiệu quả của nó mang lại.
Như vậy, mô hình ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Việc triển khai mô hình giúp người dân tận dụng lượng phân hữu cơ bón cho cây trồng, tránh gây lãng phí chất thải chăn nuôi, từng bước tạo ra sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường đồng thời giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/