Cây cà chua có tên khoa học là Lycopersicum esculentum Miller, thuộc họ cà Solanacea. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ; được trồng trên nhiều loại đất, song thích hợp nhất vẫn là đất pha cát, nhiều chất mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt. Để cây cà chua cho năng suất và chất lượng quả tốt thì khâu phòng trừ bệnh hại là rất quan trọng.

1. Bệnh sương mai cà chua

Nguyên nhân

Bệnh do nấm Phytopthora infestans (Mont.) de Bary gây ra. Là loài nấm ký sinh chuyên tính. Bào tử mọc thành cụm, phân nhiều nhánh. Bọc động bào tử không màu, hình quả chanh.

Triệu chứng

Trên lá: Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mép chóp lá tạo vết xám xanh nhạt sau đó lan rộng vào phiến lá. Phần giữa vết bệnh chuyển màu nâu đen và xung quanh vết bệnh thường có lớp cành bào tử màu trắng xốp bao phủ như một lớp mốc trắng như muối làm cho lá chết lụi nhanh chóng. Ở mặt dưới lá, vết bệnh có một lớp mốc trắng như sương (phân sinh bào tử). Bệnh nhẹ lá hơi bị cháy, bệnh nặng có thể làm toàn bộ phiến lá bị cháy khô.

Trên thân cành: Bị bệnh từng đoạn dài, vỏ và ruột thân lúc đầu màu nâu hoặc thâm đen, sau đó thối ướt màu nâu đen. Chỗ bị bệnh nhỏ tóp lại, có khi chỉ một phía thân bị thối. Khi ẩm ướt, trên vết bệnh có lớp nấm trắng như sương muối bao phủ, phía trên chỗ bị bệnh, lá héo dần; cành, thân bị bệnh dễ bị gãy gục làm tan cây xơ xác.

Trên quả: Bệnh có thể xuất hiện tại mọi vị trí trên quả nhưng thường thấy ở đuôi quả nhiều hơn do hơi sương thường chảy và đọng dưới vị trí này, trên quả có những đốm màu xanh xám, dạng thối ủng nước nhưng giai đoạn đầu vết bệnh vẫn cứng, vết bệnh lớn dần, chuyển sang màu trắng đục hoặc màu nâu đen, không gây lõm, có viền rõ và bên trong bị thối. Bệnh nhẹ quả hơi nám và cứng, bệnh nặng quả không phát triển được, sau đó bị rụng.

Trên hoa: vết bệnh có màu nâu đen ở đài hoa, cuống hoa làm hoa rụng.

Đặc điểm phát sinh

Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ, trời âm u có sương mù, ở các vùng đất trũng thấp, ít thoát nước, bón phân không cân đối, bón quá nhiều đạm.

Biện pháp phòng chống

Giống: Trồng giống kháng bệnh.

Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Bón vôi, phân hữu cơ trước khi gieo trồng. Bón phân cân đối, tăng lượng bón phân kali và lân. Luống đánh cao, rãnh rộng để dễ thoát nước.

- Vườn ươm phải là nơi đất cao ráo, sạch sẽ. Không nên trồng cà chua gần ruộng khoai tây và không luân canh kế cận với khoai tây.

- Thường xuyên  kiểm tra phát hiện bệnh kịp thời ngoài đồng ruộng, khi thấy phát sinh các ổ bệnh đầu tiên cần phải phân loại ruộng để có kế hoạch phun thuốc ngăn chặn ngay.

Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoai mục 7 – 10 ngày để bón lót.

Biện pháp hóa học:

- Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).

- Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một số loại thuốc gốc đồng và thuốc chứa các hoạt chất Mancozeb, Phosphorous, Fosetyl-aluminium như: Ridomil Gold 68WP, Aliette 80WG, Eddy 72WP+ Klifos, Agrifos 400…

2. Bệnh thán thư

Nguyên nhân

Bệnh do nấm Collectotrichum phomoides  Sacc.) Chester. Roger gây ra. Bào tử đơn bào, hơi cong hay hình trụ, hai đầu tròn, không màu.

Triệu chứng

Bệnh có thể hại trên thân, lá, quả và hạt, nhưng chủ yếu hại trên quả vào giai đoạn chín. Vết bệnh ban đầu là một đốm nhỏ, hơi lõm, ướt bề mặt vỏ quả, sau 2-3 ngày kích thước vết bệnh có thể lên tới 1cm đường kính. Vết bệnh thường hình tròn, đặc trưng của vết bệnh là dạng lõm, phân ranh giới giữa mô bệnh là một đường màu đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên bề mặt vết bệnh có những chấm nhỏ là đĩa cành của nấm gây bệnh. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau làm quả bị thối, vỏ khô có màu trắng vàng bẩn. Nấm có thể gây hại trên các chồi non, gây hiện tượng thối ngọn, chồi bị hại có màu nâu đen, bệnh có thể phát triển nặng làm cây bị chết dần hoặc cây bệnh có quả ở từng phần nhưng quả ít, chất lượng kém.

Đặc điểm phát sinh

Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc trong ruộng tưới nhiều nước, độ ẩm không khí cao.

Biện pháp phòng chống

Giống: Chọn giống ít nhiễm bệnh, trổng thưa và làm giàn chống để tạo sự thoáng khí cho cây.

Biện pháp canh tác: Thu gom tiêu hủy các quả bị bệnh.

Biện pháp hóa học:

- Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).

- Khi phát hiện bệnh mới chớm nên phun một trong các loại thuốc sau: hoạt chất Azoxystrobin như Amista; hoạt chất Metomenostrobin như Ringo-L 20SC hoặc phun một trong các loại thuốc sau: Amistar 250SC, Plant 50WP, Antracol 70WP, Polyram 80DF, Daconil 500SC,…. Theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

3. Bệnh héo xanh vi khuẩn

Nguyên nhân: Vi khuẩn  Ralstonia solanacearum Smith gây ra.

Triệu chứng

Biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo xanh cụp xuống, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ tái xanh, gãy gục và chết.

Cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh.  Cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong cốc nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.

Quan sát những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần phía gốc sát mặt đất vỏ thân xù xì đó là triệu chứng đặc trưng của cây cà chua khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn.

 Đặc điểm phát sinh

Xuất hiện gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng trồng ngoài sản xuất, gây hại nặng khi cây cà chua đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ - hoa đến hình thành quả non - quả già thu hoạch. Ở giai đoạn cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, lá héo xanh gục xuống, cây chết xanh.

Vi khuẩn tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn có thể lan truyền qua cây giống, gió, nhờ nước, côn trùng và cả qua công cụ chăm sóc, tỉa cành.

Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích của côn trùng ở rễ, thân. Sau khi chúng xâm nhập vào cây trồng chúng tấn công vào mạch dẫn và di chuyễn theo mạch dẫn làm hư bó mạch, cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng rất nhanh. Chúng phát triển nhanh khi ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 380C.

Biện pháp phòng chống

GiốngSử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh. Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.

 Biện pháp canh tác:

- Luân canh cây trồng: Đây là biện pháp có hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác họ cà hoặc luân canh với lúa nước. Không nên trồng cà chua 2 vụ liên tiếp trên một chân đất.

- Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.

- Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón, nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.

 Biện pháp hóa học:

- Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).

- Khi phát hiện thấy bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất Copper hydroxide, Copper Oxychloride, Streptomycin, Oxytetracycline hydrochloride, Ningnanmycin để phòng trừ bệnh như: New Kasuran 16.6WP, K.Susai 50WP, Sat 4SL, Ychatot 900SP, Miksabe 100WP, PN - balacide 32WP, Avalon 8WP. Nồng độ và liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo:khuyennongbacgiang.com