độ quả Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp và canh tác vải thiều theo quy trình GAP tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Mô hình được người sản xuất vải thiều áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Điều tra dự báo sâu bệnh hại
Định kỳ 5-7 ngày/lần điều tra tình hình phát sinh sâu bệnh trên vải, kết hợp sử dụng các bẫy bả và có kế hoạch phòng trừ kịp thời để hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng, vườn đồi.
Kỹ thuật phòng trừ
Thực hiện tốt các biện pháp canh tác như tạo tán, tỉa cành để hạn chế sâu bệnh. Phòng trừ sâu bệnh theo điều tra dự báo. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc có nguồn gốc sinh học. Thuốc hoá học chỉ sử dụng loại nằm trong danh mục cho phép.
Thường xuyên điều tra và phòng trừ theo các giai đoạn phát triển của cây:
Giai đoạn trước khi ra nụ và hoa
- Phòng trừ nhện lông nhung: Cắt hết cành lộc bị hại khi tỉa cành tạo tán, thường xuyên vệ sinh vườn, chăm sóc cho cây ra lộc tập trung. Hạn chế tối đa phát triển lộc đông để ngắt quãng nguồn thức ăn cho nhện và sâu đo, giảm gối lứa năm sau. Nếu năm trước có mật độ nhện cao thì phải phun thuốc trên lộc đông và lộc thu. Sử dụng thuốc: Pegasus 500 ND, Ortus3SC, Regent 800 WG phun theo nồng độ khuyến cáo ghi trên bao bì.
- Phòng trừ rệp muội: Tập trung vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, sử dụng thuốc Bi58: 0,2%, Sherpa: 0,2% để hạn chế nguồn rệp gây hại.
Giai đoạn cây phân hóa mầm hoa, hoa nở
Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa đông sang mùa xuân nên sâu bệnh tập trung nhiều: Nhện lông nhung, bọ xít, rệp muội, sâu đo. Bệnh sương mai và thán thư cũng xuất hiện trên chùm hoa...
Các vườn cây không ra nụ hoa cần theo dõi và phòng trừ nhện lông nhung, sâu đo, phòng trừ cục bộ (cây có sâu bệnh) để bệnh không lây lan bằng cách:
Đối với nhện lông nhung: Cắt hết cành lộc bị hại, nếu năm trước nhện có mật độ cao thì phải phun các loại thuốc: Pegasus 500 ND; Ortus3SC; Regent 800 WG nồng độ 0,1%. Với sâu đo, dùng Fumai hoặc chế phẩm nấm Metarhizium phun vào các chồi non.
Phòng trừ bọ xít: Diệt bọ xít qua đông bằng vợt hoặc rung cây để bắt. Phun thuốc diệt bọ xít trưởng thành hiệu quả nhất vào tháng 3, khi chúng qua đông và ra vườn giao phối để thực hiện chu trình sinh sản mới. Thuốc sử dụng: Sherpa 25EC nồng độ 0,1%; Fatax 50EC nồng độ 0,1%; Reasgant 1, 8EC; 3, 6EC hoặc Bull Star 262,5 EC; Trebon 20EC.
Rệp muội cũng là đối tượng gây hại trong giai đoạn này. Trên lộc xuân vào cuối thời kỳ ra hoa, trên các chùm hoa nếu thấy mật độ rệp cao có thể phun thuốc Trebon.
Bệnh sương mai và thán thư: Nếu thời tiết khô hanh, không có mưa phùn, không nhất thiết phải phun thuốc. Ngược lại, thời tiết âm u, mưa phùn, ẩm độ cao cần chú ý phun thuốc trừ bệnh trên các chùm hoa (không phun thuốc khi hoa cái nở rộ).
Giai đoạn đậu quả đến hình thành cùi
Giai đoạn này sâu đo thường tập trung đẻ trứng ngay trên quả non. Sâu non nở ra gặm vỏ quả làm quả rụng hay gây sát thương, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh. Chú ý phòng trừ bằng các loại thuốc nêu trên để đảm bảo mật.
Ngoài sâu đo, người trồng vải cần chú ý theo dõi để phòng trừ bệnh thán thư. Cần tỉa bớt cành sâu bệnh và cành không có quả để cây thông thoáng, hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh.
Giai đoạn quả kéo cùi kín đến chín
Đây là giai đoạn quyết định đến chất lượng quả. Các loại sâu hại quan trọng như sâu đục cuống quả và ruồi hại quả kết hợp với các bệnh thán thư, sương mai và nứt quả làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả.
Sâu đục cuống quả: Sử dụng bẫy pheromon dự báo để phòng trừ bệnh. Khi bướm rộ với mật độ cao thì tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc như: Padan 95SP nồng độ 0,1%; Regent 800WG nồng độ 0,1%. Thường xuyên tỉa cành cho vườn thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của sâu.
Ruồi hại quả: Cần phát hiện sớm, ngay từ đầu tháng 5, sử dụng bẫy bả để dự báo và phòng trừ. Khi ruồi đục quả vào bẫy rộ, tiến hành phun thuốc Padan 95SP nồng độ 0,1% kết hợp trừ sâu đục cuống quả.
Bệnh sương mai: Nếu thời tiết rét muộn, trời âm u, nhiều sương nên phun thuốc phòng bệnh sương mai như Ridomil MZ 72WP nồng độ 0,3%, hoặc Bóc-đô nồng độ 1%. Vào tháng 6, trước khi quả chín, gặp mưa nhiều, nhiệt độ cao cần đề phòng bệnh phát sinh vào giai đoạn quả chín.
Bệnh thán thư: Thời tiết nóng ẩm và mưa, trên quả vải có các vết chàm xanh là biểu hiện bệnh phát sinh. Vết chàm chuyển màu mực thẫm là bệnh phát triển mạnh, cần phun thuốc Bavistin 50 fl; Anvil 5SC; Topsin M 70WP nồng độ 0,2%.
Lưu ý: Ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 15 ngày để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vệ sinh đồng ruộng và an toàn thực phẩm
Vệ sinh đồng ruộng là khâu cuối cùng của công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất vải an toàn. Một số gia đình có thói quen sau khi phun thuốc để lại bao bì thuốc rải rác trên vườn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo kinh nghiệm, vì vậy số lần phun cao.
Viện Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình sản xuất vải theo quy trình GAP, làm tốt các khâu kỹ thuật và công tác điều tra trên đồng ruộng, đã phát hiện sớm sâu bệnh hại và tổ chức phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, mật độ sâu, bệnh trên vườn vải trong vùng thấp hơn hẳn so với vùng sản xuất đại trà. Quả to, sai, mẫu mã quả có màu đỏ tươi, đạt yêu cầu. Tỷ lệ sâu, bệnh tồn dư trên quả thấp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm ở dưới ngưỡng cho phép. Giá trị năng suất thu hoạch trong vùng sản xuất vải an toàn cao hơn vùng sản xuất đại trà 9,43 triệu đồng/ha. Đây là hướng đi tất yếu cho người trồng vải nói riêng và các vùng cây ăn quả nói chung để từng bước tạo ra những sản phẩm an toàn có lợi thế cạnh tranh./.
Nguyễn Văn Hoa