Ngày 11 tháng 7 năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ vải thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Tới dự Hội thảo, các đại biểu ở Trung ương: Bộ KH&CN có đồng chí Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN; Tiến sỹ Trịnh Khắc Quang – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sỹ Đỗ Đình Khang – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Tiến sỹ Đặng Quang Thiệu – Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội – Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam; Tiến sỹ Trần Văn Lân – Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng; tỉnh Bắc Giang có đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở KH&CN; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Hiệp hội vải thiều Lục Ngạn, các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị thuộc Sở KH&CN; đại diện các cơ quan: Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang, Trung tâm Truyền nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN).
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh đã khái quát những nét chính về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều của tỉnh năm 2014. Theo đó, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 32.365 ha, sản lượng đạt 142.555 tấn quả tươi. Trong đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh là 19.500 tấn (chiếm 13,7 %), sản lượng vải chính vụ đạt 123.055 tấn (chiếm 86,3%). Riêng huyện Lục Ngạn có diện tích vải lớn nhất 18.000 ha, sản lượng đạt 85.000 tấn. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đến áp tiến bộ KH&CN trong chăm sóc vải thiều, đã xây dựng được vùng vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 8.500 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn, giá bán tăng hơn từ 20-30% so với vải thường. Tuy nhiên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế, chưa được tiêu thụ ở các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản;… Năm 2014 đã đem lại cho người dân các vùng trồng vải ở Bắc Giang doanh thu khoảng 1.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vải tập trung, có những vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất cần được quan tâm giải quyết đặc biệt là quy luật “được mùa mất giá”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh cảm ơn các nhà khoa học đã dành thời gian quan tâm, nghiên cứu nhằm đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tích cực tham gia góp ý kiến về các vấn đề đang tồn tại trong quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh như: Những tồn tại, hạn chế của tiêu chuẩn VietGap trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn; những ảnh hưởng của việc xây dựng tiêu chuẩn, công nghệ bảo quản vải thiều và khả năng thâm nhập vải thiều Bắc Giang vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ; khả năng, phạm vi ứng dụng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGap) trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều trên thị trường quốc tế; những vấn đề khác nhau trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGap với tiêu chuẩn GlobalGap và công nghệ CAS trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ vải; các yếu tố ảnh hưởng, tác động hoặc có tính chất quyết định đến khả năng xuất khẩu vải thiều vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị với Bộ trưởng Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thiết lập mô hình hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGap nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho vải thiều Lục Ngạn; xem xét, hỗ trợ chuyển giao công nghệ CAS vào bảo quản vải thiều của Bắc Giang.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp báo cáo tham luận và thảo luận các vấn đề xung quanh việc tìm hướng đi bền vững cho cây vải thiều như: Cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững vải thiều Bắc Giang; Ứng dụng các giải pháp KH&CN và quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang hướng tới thị trường quốc tế; Bảo quản quả tươi, công nghệ và thách thức; Công nghệ chiếu xạ thực phẩm và triển vọng ở Việt Nam ứng dụng kiểm dịch vải thiều phục vụ xuất khẩu; Giới thiệu công nghệ CAS và khả năng ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm Việt Nam (công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của công ty ABI Nhật Bản, đã được công nhận bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Châu Âu và 24 quốc gia trên thế giới. CAS là công nghệ lạnh đông nhanh được sử dụng để bảo quản hải sản, nông sản. Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có nhiều công nghệ lạnh đông nhanh hay siêu nhanh trong bảo quản nông sản, hải sản… Tuy nhiên, công nghệ đông lạnh bảo quản nhanh vẫn làm suy giảm chất lượng thực phẩm và thời gian bảo quản không lâu (chỉ từ 3-6 tháng). Tất cả những khiếm khuyết của các công nghệ hiện tại sẽ được được khắc phục bởi công nghệ CAS - một công nghệ hiện đại nhất, giữ cho sản phẩm tươi nguyên như ban đầu.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh để phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất sản phẩm vải thiều Bắc Giang cần quan tâm đổi mới tư duy, quan tâm đến thị trường đầu ra, quy trình công nghệ, bảo quản sản phẩm vải thiều. Bộ KH&CN sẽ xem xét, chuyển giao và hỗ trợ tỉnh Bắc Giang ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản vải thiều. Các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để tiếp thu công nghệ trong bảo quản sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong đó có sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang nói riêng./.
Nguyễn Thị Tươi
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)