Giống lúa Việt Lai 20 có thể gieo cấy trên đất nghèo dinh dưỡng, đất chua mặn và có khả năng thâm canh cao

Nhằm tiếp tục giúp người dân tiếp cận với giống lúa lai có năng suất và chất lượng gạo tốt, phù hợp với điều kiện thâm canh của người dân tại địa phương, vụ Chiêm Xuân năm nay,Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tân Yên (DV KTNN) phối hợp với Công ty Cổ phần Kỹ thuật nông nghiệp cao Hải Phòng, xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa lai Việt Lai 20, đem lại kết quả khả quan.

Giống lúa Việt Lai 20 là giống lúa lai hai dòng đầu tiên được các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo thành công năm 1996 do PGS.TS  Nguyễn Văn Hoan và thạc sĩ Vũ Hồng Quảng lai tạo. Với nhiều ưu điểm nổi bật chống đổ tốt, gạo có hàm lượng protein cao, thích ứng rộng, phù hợp với nhiều chân đất khác nhau, có thể gieo cấy trên đất nghèo dinh dưỡng, đất chua mặn và có khả năng thâm canh cao.

Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trong suốt quá trình. Mô hình sử dụng giống Khang dân 18 làm giống đối chứng.

Mô hình lựa chọn triển khai tại 3 xã, ở xã Việt Ngọc với diện tích 01 ha, tại thôn Cầu Trại; xã Phúc Sơn 01 ha tại thôn Khánh Châu và xã Đại Hóa 01 ha, tại thôn Chúc. Tổng số hộ tham gia mô hình là 28 hộ.

Trực tiếp sản xuất, các hộ dân tham gia mô hình nhận xét, giống lúa Việt Lai 20 ở cả 3 điểm triển khai mô hình đều có thời gian sinh trưởng trung bình 125-126 ngày dài hơn giống đối chứng KD18 từ 2-3 ngày. Như vậy có thể đánh giá giống Việt Lai 20 thuộc nhóm giống có thời gian sinh trưởng trung bình. Mặt khác, giống Việt Lai 20 có thời gian trỗ bông tập trung, tỷ lệ trỗ thoát cổ bông đạt >97%.

Vụ Chiêm Xuân năm 2021, thời tiết duy trì nhiều ngày có tiết trời âm u, mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nấm phát sinh gây hại trên cây lúa như: bệnh khô vằn, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... Tại các điểm triển khai mô hình giống lúa Việt Lai 20 bị nhiễm nhẹ đạo ôn cổ bông và nhiễm bệnh khô vằn, đặc biệt ở các ruộng cấy với mật độ dày, bón phân chưa cân đối. So với đối chứng, giống Việt Lai 20 cho thấy khả năng chống chịu sâu khá.

Ở thời điểm cuối vụ rất thuận lợi cho quá trình phân hóa đòng và trỗ bông nên tỷ lệ hạt chắc/bông tăng cao hơn so với các vụ trước ở cùng thời điểm, tỷ lệ hạt lép/bông của giống trung bình chỉ chiếm 12-14% tổng số hạt trên bông. Tổng số hạt trên bông của giống Việt Lai 20 trung bình đạt từ 140-153 hạt/bông, trong khi đó giống đối chứng là 189 hạt/bông. Song, giống lúa lai Việt Lai 20 có đặc điểm hạt thóc to, trọng lượng 1000 hạt của giống đạt 28gram, cao gấp 1,3 lần so với đối chứng nên năng suất trung bình của Việt Lai 20 đạt 62 tạ/ha cao hơn giống đối chứng 8,5- 9 tạ/ha. Hạch toán cho thấy, giống lúa Việt Lai 20 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn giống KD 18 khoảng 4,7triệu đồng/ha.

Từ những thành công của mô hình, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên đề nghị, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn phụ trách nông nghiệp xã tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân trong xã đưa giống lúa Việt lai 20 vào cơ cấu bộ giống lúa có thể tổ chức sản xuất trên địa huyện. Đồng thời đề nghị Công ty Cổ phần Kỹ thuật nông nghiệp cao Hải Phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm DV KTNN xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trong các vụ tiếp theo để có đánh giá khách quan hơn giống lúa Việt Lai 20, làm cơ sở để nhân rộng mô hình tại các địa phương khác trong địa bàn huyện, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/