Đặc sản Na dai Nghĩa Phương đang vào mùa thu hoạch- Ảnh minh họa

 

Năm 2022, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái... Đó là mục tiêu chung của Ngành Nông nghiệp &PTNT trong thời gian tới mà toàn ngành cần nỗ lực phấn đấu đạt được.

Theo kế hoạch, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (GRDP) ngành nông, lâm và thủy sản dự kiến đạt 0,5-1%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 38%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN02 đạt 78,5%. Phấn đấu năm 2022 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 145 xã (chiếm 78,8% tổng số xã); có thêm huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã tăng thêm tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới/xã, lũy kế là 17,1 tiêu chí/xã.

Để đạt được kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp &PTNT đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: tập trung triển khai các cơ chế chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng các cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo quy trình sản xuất tiến tiến như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…, sản xuất theo chuỗi giá trị và các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nhiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển; hình thành và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Phát triển chăn nuôi lợn, gà theo hình thức trang trại tập trung an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ; tập trung khôi phục đàn lợn đảm bảo cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh…

Mở rộng diện tích vùng chăn nuôi chuyên canh, thâm canh thông qua thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án phát triển vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được phê duyệt.

Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp.

Theo dõi chặt tình hình thời tiết, sâu bệnh hại trên cây trồng, nhất là lúa mùa để tiến hành phòng trừ kịp thời. Đối với đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật. Kiểm tra, bình tuyển đàn cá bố mẹ, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống thủy sản, từng bước kiểm soát được chất lượng con giống phục vụ sản xuất…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm…Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện bộ máy quản lý đảm bảo sự chỉ đạo nhanh nhạy, thông suốt, chủ động và hiệu quả…

Theo http://khuyennongbacgiang.com/