ảnh minh họa

Xác định nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Tuân thủ nghiêm phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”; 3 sẵn sàng “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”…Thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K của Bộ y tế “Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế”. Đó là yêu cầu của Sở Nông nghiệp và PTNT trong thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 28/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Vừa chống dịch, vừa sản xuất

Theo Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các cơ quan đơn vị ngăn chặn phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan, chủ động phòng chống, ngăn chặn từ bên ngoài. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19. Chủ động khai báo y tế kịp thời, trung thực khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid- 19…

Cùng đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,6% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2%).

Với lĩnh vực trồng trọt, triển khai sản xuất vụ mùa đúng khung thời vụ. Xây dựng phương án chủ động nguồn giống, vật tư phân bón dự phòng, khắc phục kịp thời sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Tăng cường theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm tại cơ sở; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, chăm sóc nhằm hạ giá thành sản phẩm. Phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi cả năm đạt 235,5 nghìn tấn.

Chỉ đạo các địa phương, vùng nuôi tập trung thu hoạch cá thương phẩm để xuống giống theo khung thời vụ; hướng dẫn chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ về thủy sản, áp dụng quy trình chăn nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, sản xuất thủy sản theo hướng VietGAP, công nghệ cao. Phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 46,6 nghìn tấn.

Với lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng… Hoàn thành trồng 8.000 ha rừng tập trung (tăng 11% so với kế hoạch) và 5 triệu cây phân tán; sản lượng khai thác gỗ 780 nghìn m3 (tăng 8,3% so với kế hoạch).

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Tăng cường quản lý giống cây trồng, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Xử lý nghiêm và công bố công khai các trường hợp vi phạm…

Khi có dịch bệnh xâm nhập

Kế hoạch giả định kịch bản khi có dịch bệnh xâm nhập như: Tình huống khi phát hiện có trường hợp nghi mắc Covid-19;  khi xuất hiện F1, F2 trong cơ quan đơn vị; khi xuất hiện F0 trong cơ quan và tình huống khi dịch bùng phát lây lan trong cơ quan. Từ đó, đưa ra các phương án cụ thể nhằm chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống dịch Covid-19 cho cán bộ, viên chức, người lao động. Đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh xảy ra (nếu có) tại các phòng, ban, đơn vị trong ngành. Đảm bảo bảo vệ sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Vừa đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra vừa thực hiện phát triển kinh tế xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống của nhân dân.

Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho các phòng thuộc Sở tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch. Tổng hợp theo dõi, kiểm tra đôn đốc, giám sát đồng thời đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid 19 trong các hoạt động chuyên môn. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mình chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống xảy ra, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng người và từng bộ phận…

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/