Hợp tác xã Rau sach Yên Dũng chuyên sản xuất và cung cấp các loại rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP

Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho khu vực  kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển, giúp thay đổi tư duy kiểu cũ, từ tư duy trông chờ chính sách hỗ trợ, chỉ đạo của chính quyền thì các HTX đã chủ động, tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thông qua việc xây dựng và định hướng phát triển chiến lược phát triển phù hợp, qua đó, giúp HTX từng bước phát triển, đồng thời làm tốt vai trò đại diện giúp các thành viên thực hiện được mong muốn liên kết, hợp tác, cùng phát triển; đội ngũ cán bộ HTX có trình độ ngày một được nâng lên, qua đó phát huy hiệu quả sức mạnh tập thể trong người dân.

Kết quả đạt được

Giai đoạn 2013-2021, HTX nông nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 585 HTX nông nghiệp, tăng 322 HTX so với năm 2013. Số HTX thành lập mới tăng năm sau cao hơn năm trước trung bình đạt trên 40 HTX/năm (cao nhất là năm 2018 với 90 HXT thành lập mới). Nhìn chung các loại hình HTX nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng trong hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm khai thác, tận dụng tốt những tiềm năng thế mạnh của từng vùng từng địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, đã giải thể 157 HTX nông nghiệp ngừng hoạt động nhiều năm hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Cũng trong giai đoạn, đã bồi dưỡng cho 1.764 lượt cán bộ HTX; có 04 HTX nông nghiệp được bố trí đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn, với tổng kinh phí hỗ trợ 259,56 triệu đồng.

Cùng đó, hỗ trợ cho 281 lượt HTX tham gia trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ xúc tiến thương mại, các diễn đàn kết nối cung cầu…Hiện có 60 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ (02 chỉ dẫn địa lý, 04 nhãn hiệu chứng nhận và 54 chứng nhận tập thể do các HTX và hội đăng ký). Có 04 sản phẩm bảo hộ trong nước: Rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên, chè Yên Thế và bưởi Hiệp Hòa. Đặc biệt, có 04 sản phẩm nông sản được bảo hộ ở nước ngoài, gồm: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế.

Trong những năm qua, Sở Nông  nghiệp và PTNT đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai chủ động và có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững,…  Qua  đó, tạo điều kiện cho nhiều HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông thôn, quản lý các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 117 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (34 sản phẩm được xếp loại 4 sao; 83 sản phẩm được xếp loại 3 sao). Trong đó, có 49 HTX/65 chủ thể (chiếm 75,4% chủ thể tham gia) với 89/117 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao trở lên (chiếm 75,2% sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Điều này thể hiện vai trò chủ đạo của loại hình HTX trong Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang và phù hợp với mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP là Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.

Điển hình, Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng, địa chỉ thôn Huyện, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, với sản phẩm cung cấp chủ lực là các loại rau, củ, quả sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (trong đó có 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao). Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 với quy mô sản xuất 60 ha với hơn 100 lao động, trong đó có khoảng 13ha nhà lưới công nghệ cao với hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động của Izarel. Trong hoạt động điều hành HTX tổ chức bộ máy quản lý đầy đủ, khoa học với các phòng, bộ phận chức năng, việc phân chia thu nhập cho các thành viên được thực hiện nghiêm túc theo giá  trị vốn góp của từng thành viên tham gia.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức triển khai, quán triệt Luật HTX năm 2012 vẫn còn một số tồn tại hạn chế như chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ tư vấn, kiểm tra không được đào tạo đúng ngành, lĩnh vực, mà chủ yếu tự nghiên cứu hoặc được đào tạo thông qua các lớp ngắn ngày, qua thực tiễn để có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…

Chính  sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp chưa thực sự tác động mạnh đến các HTX. Phần lớn HTX nông nghiệp thiếu điều kiện cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc, xưởng sơ chế, kho bảo quản sản phẩm,... Vốn của các HTX thấp, hiệu quả sử dụng không cao, một số HTX chưa bạch trong quản lý tài chính dẫn tới thiếu niềm tin của thành viên trong việc huy động vốn. Trong khi HTX chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng thường xuyên với các ngân hàng thương mại nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải pháp trong thời giai tới

Thực tế cho thấy ở những nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thì nơi đó phong trào kinh tế hợp tác, HTX được củng cố và phát triển mạnh. Nên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, bản chất và ý nghĩa Luật HTX 2012 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tạo môi trường tâm lý thuận lợi cho sự phát triển, đồng thời khơi dậy nhu cầu hợp tác đa dạng trong nhân dân; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể, vận dụng tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Việc thành lập HTX phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, lấy thành viên HTX là trung tâm và lợi ích kinh tế xã hội của thành viên làm mục tiêu phấn đấu của HTX, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên với HTX.

Cập nhật sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 theo thực tế phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trong tình hình mới của nước ta hiện

nay; đồng thời sớm ban hành các chính sách đồng bộ, văn bản hướng dẫn thi hành đầy đủ đi đôi với bố trí nguồn lực thực hiện; triển khai, tổ chức thi hành Luật HTX phải thực hiện nghiêm túc; kiểm tra, giám sát thường xuyên; kiên quyết chỉ đạo việc sáp nhập, hợp nhất các HTX quy mô nhỏ, kém hiệu quả; hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển HTX, ưu tiên HTX mô hình điểm, cho các HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Quan tâm lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế tập thể trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự  án phát triển KT-XH của địa phương, của ngành. Gắn đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình phát triển thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi...

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/