Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 50.422 ha lúa, trong đó trà lúa Mùa sớm 19.160 ha, đang ở giai đoạn trỗ bông - đông sữa; trà lúa Mùa chính vụ diện tích 27.732 ha, đang giai đoạn đòng - trỗ bông; trà lúa Mùa muộn 3.530 ha, đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái.

Thời gian vừa qua, điều kiện thời tiết liên tục có nắng mưa xen kẽ, kết hợp với mưa giông, đây là những điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn...

Dự báo từ nay đến cuối vụ, các đối tượng sâu bệnh còn tiếp tục phát sinh gây hại nặng, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với lúa Mùa, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Đối với trà lúa Mùa sớm tập trung theo dõi và phòng trừ kịp thời rầy nâu ngay sau khi rầy cám nở rộ đối với những ruộng có mật độ rầy từ 1.500 con/m² trở lên bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đặc hiệu, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng; không phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đồng thời, tiến hành thu hoạch ngay những diện tích lúa đến thời điểm chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Với trà lúa Mùa chính vụ, mùa muộn chỉ đạo phun phòng trừ kịp thời sâu cuốn lá nhỏ khi sâu non xuất hiện ở những ruộng có mật độ từ 20 con/m² trở lên đối với giai đoạn đòng - trỗ, 50 con/m² trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh; sâu đục thân 2 chấm phòng trừ trà lúa giai đoạn đòng - trỗ những nơi có mật độ ổ trứng 0,3 ổ/m² trở lên; phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ngay sau khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt trên các giống nhiễm. Ngoài ra, cần tiếp tục theo sát mức độ phát sinh của bệnh đen lép hạt, đạo ôn cổ bông, nhện gié... để phòng trừ kịp thời.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều kênh như hệ thống truyền thanh, truyền hình, loa đài... về mức độ phát sinh gây hại của sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ đảm bảo an toàn hiệu quả; tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt như: điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, tăng cường bón kali ở giai đoạn đòng - trỗ để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất lúa.

Theo khuyennongbacgiang.com/