Giá trị sản xuất tại các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 350- 650 triệu đồng/mô hình/năm
Trong những năm qua, huyện Tân Yên luôn xác định phát triển sản xuất vụ đông là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.
Trên thực tế, sản xuất vụ đông của huyện Tân Yên cho hiệu quả tương đối cao, giá trị sản xuất các cây trồng tăng dần qua từng năm. Gần nhất là vụ đông năm 2020, Tân Yên gieo trồng được hơn 4.000 ha cây trồng, trong đó nhiều loại cây cho giá trị kinh tế cao như ngô hàng hóa giá trị sản xuất đạt từ 125- 150 triệu đồng/ha/vụ, có thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi; khoai tây đạt 150- 165 triệu đồng/ha/vụ; cây lạc 95-100 triệu đồng/ha/vụ; ớt đạt 230- 360 triệu đồng/ha/vụ; cà chua bi, dưa bao tử đạt 200- 255 triệu đồng/ha/vụ, sản phẩm được các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có giá trị cao, ổn định.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, huyện Tân Yên đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia sản xuất, đặc biệt là tại các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất tập trung. Theo đó, năm 2020 huyện tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất tại các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất tập trung, trong đó tiêu biểu như 03 cánh đồng mẫu sản xuất lạc giống L14 quy mô 85,2 ha tại các xã Lam cốt, Ngọc Vân và Song Vân; duy trì 04 cánh đồng mẫu sản xuất ngô ngọt, khoai tây với tổng diện tích 136 ha tại xã Lan Giới, Đại Hóa và Phúc Sơn; 03 cánh đồng sản xuất hành, tỏi ở xã Liên Chung và Quế Nham với diện tích 91,4 ha; tiếp tục duy trì cánh đồng sản xuất bắp cải, dưa thương phẩm an toàn quy mô 30,6 ha tại xã Ngọc Lý và Song Vân. Giá trị sản xuất đạt từ 95- 185 triệu đồng/ha/vụ.
Cùng đó, huyện chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn với 33 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng quy mô từ 1.000 m2/nhà trở lên, sản xuất các sản phẩm như dưa lưới, dưa chuột baby, dưa lê hàn quốc, hoa Lily, hoa cúc… được ký hợp đồng với doanh nghiệp từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất tại các mô hình đạt từ 350- 650 triệu đồng/mô hình/năm, tăng trên 50% so với sản xuất thông thường.
Đáng chú ý, vụ đông năm 2020 huyện Tân Yên đã chỉ đạo xây dựng thành công 04 Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm thế mạnh của huyện, lấy hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp là chủ thể tổ chức sản xuất bằng tích tụ đất, thuê đất hoặc hợp đồng sản xuất với các tổ sản xuất, nhóm hộ, làm đầu mối thu mua, hợp đồng với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Trong đó, Dự án sản xuất khoai tây đạt tiêu chuẩn VietGap theo chuỗi liên kết quy mô 20 ha của HTX nông nghiệp Hoàng Linh, xã Đại Hóa cho giá trị sản xuất đạt 123 triệu đồng/ha/vụ, tăng 15% so với sản xuất thông thường; dự án phát triển sản xuất ngô ngọt đạt tiêu chuẩn VietGap của HTX nông nghiệp Minh Quang quy mô 60 ha, giá trị đạt gần 138 triệu đồng/ha/vụ, tăng 18% so với sản xuất thường; sản xuất rau quả chế biến xuất khẩu tại HTX sản xuất rau công nghệ cao GOC, xã Ngọc Thiện đạt 190 triệu đồng/ha/vụ; Dự án liên kết sản xuất hoa công nghệ cao tại HTX công nghệ cao Lý Cốt, xã Phúc Sơn mang lại giá trị đạt 445 triệu đồng/vụ. Sản xuất theo chuỗi liên kết là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao,góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Có thể thấy, sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Tân Yên ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung và có liên kết theo chuỗi giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, cần được tiếp tục nhân rộng.
Phát huy những kết quả đã đạt được và để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, huyện Tân Yên đã sớm triển khai kế hoạch vụ đông năm 2021 đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó toàn huyện phấn đấu tổng diện tích gieo trồng 4.000 ha cây trồng các loại. Trong đó gồm một số cây trồng chính như lạc đông 560 ha, ngô lai 175 ha, khoai tây229 ha, khoai lang 222 ha và 2.689 ha rau quả thực phẩm các loại.
Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất ngô ngọt, khoai tây; xây dựng từ 2-3 mô hình tích tụ đất sản xuất rau an toàn, khoai tây theo chuỗi liên kết, quy mô từ 10ha/mô hình; mỗi xã, thị trấn xây dựng mới ít nhất 01 vùng sản xuất tập trung rau quả chế biến quy mô 1-2ha/vùng, rau quả thực phẩm từ 5ha/vùng sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm; 100% diện tích rau quả thực phẩm sản xuất tập trung được sản xuất theo quy trình VietGap, có ít nhất 3 sản phẩm có truy suất nguồn gốc; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô trên 1ha/mô hình, sản xuất theo chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện để nông dân được biết. Vận động nông dân tích cực chuyển đổi sang trồng cây rau màu có giá trị, tích tụ đầu tư sản xuất vụ đông. Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.Tăng cường khâu nối, chủ động gặp gỡ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào địa bàn liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Tiếp tục quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như lạc giống, rau quả chế biến, rau quả thực phẩm... để các tổ chức, cá nhân biết, thu mua nông sản trên địa bàn.
Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)