Huyện ủy Lục Nam vừa ban hành Nghị quyết tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Lục Nam, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện trồng rừng tập trung 7.500 ha; trồng cây phân tán 3,0 triệu cây; hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất tập trung khoảng 15.000 ha; năng suất gỗ rừng trồng đạt trên 25 m³/ha/năm, sản lượng khai thác đạt trên 180.000 m³/năm. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 ước đạt 300 tỷ đồng; giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 35% trở lên.

Để đạt được mục tiêu, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các cấp lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và các tầng lớn Nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm quy chế về quản lý rừng, đất rừng theo quy định hiện hành; giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi rừng, đất rừng theo quy định, không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm sử dụng rừng, đất rừng không đúng mục đích, chủ rừng không thực hiện trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng để xảy ra cháy, phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép.

Ảnh minh hoạ

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ rừng là tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng; khuyến khích đầu tư liên doanh, liên kết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng, cơ giới hóa trong trồng rừng nguyên liệu và trồng rừng gỗ lớn, hình thành các trang trại nông lâm kết hợp mang lại giá trị kinh tế cao từ rừng. Đối với diện tích rừng tự nhiên giao quản lý phải được quản lý, bảo vệ và làm giầu rừng, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại rừng.

Tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng đặc dụng. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành kế hoạch bàn giao đất rừng theo Kế hạch để bảo vệ trên quan điểm bảo tồn nguồn gen, bảo vệ tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng; khuyến khích, đầu tư hỗ trợ trồng cây bản địa, cây đa mục đích, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao để trồng bổ sung, làm giàu rừng; tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.

Quan tâm công tác phát triển rừng, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng; hỗ trợ đầu tư trồng rừng thâm canh được áp dụng cơ giới và hỗ trợ trồng cây phân tán theo Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách các cấp và của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, chủ rừng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/