Đến với Làng nghề truyền thống mỳ gạo Thủ Dương, Xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận theo Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2010
Làng nghề đã được hình thành từ lâu đời và được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Làng nghề chuyên sản xuất sản phẩm mỳ gạo, do thiên nhiên ưu đãi có được nguồn nước ngon tinh khiết, cộng với người thợ làm nghề có thâm niên cha truyền con nối của các nghệ nhân, thợ giỏi đã tạo lên sản phẩm đặc sản “Mỳ gạo Chũ” thơm ngon dẻo dai không nơi nào có được.
Mỳ gao của làng nghề sau khi tráng, được đem phơi dưới ánh nắng trước khi hoàn thiện các công đoạn khác của sản phẩm
Theo cơ chế thị trường hội nhập và mở rộng, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước “đặc biệt là ưu tiên để phát triển các làng nghề truyền thống”, từ một nghề phụ trước kia sản xuất mỳ nhỏ lẻ, thủ công, nay 100% các hộ đã áp dụng máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất, đã nâng cao được năng suất, chất lượng để đem thương hiệu sản phẩm “Mỳ gạo Chũ” ngày càng tiến xa hơn trên thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Làng nghề mỳ gạo Thủ Dương được phát triển mạnh, hiện đang là nghề chính, nghề mũi nhọn của địa phương. Thương hiệu mỳ Chũ làng nghề là thương hiệu lớn, là đặc sản của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đã xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình, có trên 70% hộ đã làm giàu chính đáng từ nghề sản xuất mỳ, thu nhập bình quân của lao động làm nghề từ 7,5 – 8,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Hiện nay tổng số hộ của làng nghề là 365 hộ, trong đó số hộ làm nghề 287 hộ (chiếm 78,63 %), tổng số lao động chuyên sản xuất, kinh doanh mỳ gạo Chũ lên tới trên 800 người, làng nghề có 02 nghệ nhân, thợ giỏi được UBND tỉnh Bắc Giang phong tặng.
Sản phẩm của làng nghề
Làng nghề hiện có 07 hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh và bao tiêu sản phẩm. Năm 2010 làng nghề được Bộ Khoa học & công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu mỳ Chũ độc quyền; đến nay làng nghề đã có nhiều sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề rộng khắp cả nước gồm Các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam, các hệ thống siêu thị, các công ty, đại lý phân phối bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối vv…
Hiện nay do nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, sản phẩm mỳ của làng nghề được sản xuất với rất nhiều chủng loại, chất lượng ngày càng được nâng cao, mẫu mã bao bì đóng gói luôn được nâng cấp cải tiến.
Sản phẩm của làng nghề ngày càng được cải tiến về mẫu mã, bao bì
Để bảo vệ uy tín, chất lượng của thương hiệu cũng như bảo vệ môi trường làng nghề, hàng năm tất cả các hộ làm nghề mỳ trong làng đều phải ký cam kết với Ban quản lý thôn và Hội sản xuất & tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn, cam kết sản xuất sản phẩm mỳ theo hướng sản phẩm sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn bảo vệ môi trường làng nghề và được ghi vào Nghị quyết, quy định và quy ước của địa phương.
Từ những yêu cầu khắt khe với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm mỳ gạo dẻo dai thơm ngon; là đặc sản làng nghề truyền thống đã được gìn giữ từ lâu đời, “Mỳ gạo Chũ” đã và đang xây dựng được tiếng vang và thương hiệu lớn mạnh trên thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh Bắc Giang./.
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)