Với bản tính kiên trì, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất, anh Trịnh Văn Thiện ở thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang là một trong những hộ thành công với mô hình trồng nấm mỡ trong nhà, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Năm 2014, khi nghề trồng nấm bắt đầu phát triển ở huyện Lạng Giang, Anh Thiện đã đầu tư vào trồng nấm nhưng do chưa có kinh nghiệm nên hay bị thối bịch nấm, hiệu quả không cao. Vừa làm vừa học hỏi từ những hộ khác và học tập qua đài, báo những năm sau từ trồng nấm giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định và tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất.
Năm 2018, gia đình anh Thiện được Phòng nông Nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, anh Thiện đã mạnh dạn đầu tư thêm nhà và đẩy mạnh việc sản xuất phôi giống để cung cấp cho người trồng. Đến nay, gia đình anh có 3 nhà trại sản xuất nấm với khoảng 15.000 bịch phôi, bình quân mỗi ngày cho thu hoạch từ 50 - 100 kg nấm tươi, giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg được khách trong và ngoài tỉnh như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh... đặt mua hết. Bên cạnh đó,vào tháng 5 anh Thiện còn nhập thêm hàng chục tấn bông nguyên liệu để sản xuất phôi nấm cung cấp từ 5 - 8 vạn bịch nấm ra thị trường. Trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi anh Thiện cho biết, việc làm nhà nuôi nấm cũng không đòi hỏi nhiều vốn, mỗi nhà có diện tích khoảng 100m2, mái lợp proximăng, nền đất và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Ngoài ra, anh còn trang bị thêm hệ thống phun sương tự động được gắn trên mái nhà và đồng hồ đo độ ẩm trong nhà trồng nấm để đảm bảonhiệt độ lý tưởng cho một nhà trại nấm từ 25 - 28 độ C và ẩm độ từ 75 - 85%. Ngoài ra, muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ, thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh. Nhà nuôi nấm phải cách xa chuồng trại gia súc, các nguyên liệu dùng làm phôi phải được bảo quản tốt, tuyệt đối không ẩm mốc.
Theo anh Thiện, trồng nấm mỡ không khó, cũng không vất vả như các loại nấm khác. Chỉ cần nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường..., ai cũng có thể trồng. Sau khi cấy meo, phôi nấm được treo thành hàng đứng, đợi cho tơ chạy đầy thì bắt đầu tưới nước. Muốn cho phôi phát triển tốt, nấm mọc dầy, chất lượng tốt phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đăc biệt là khâu tưới nước. Nước được tưới 3 - 4 lần mỗi ngày, bằng béc phun nhuyễn như sương.
Với kinh nghiệm tích lũy được trong sản xuất anh Thiện luôn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi trồng nấm sạch tại nhà để tăng thêm thu nhập.
Chị Đặng Thị Sâm - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Thanh cho biết, hiện nay phong trào trồng nấm mỡ và một số loại nấm khác đang phát triển mạnh ở các thôn trong xã. Gia đình anh Thiện là một trong những hộ sản xuất nấm tiêu biểu, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sản xuất nấm trên địa bàn xã.
Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)