Thời điểm này, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang thu hoạch sản phẩm cây ăn quả có múi. Để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân tiêu thụ thuận lợi. Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn về vấn đề này.
PV: Ông có thể cho biết tình hình sản xuất cây ăn quả có múi của Lục Ngạn năm nay như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi: Năm nay, huyện Lục Ngạn có tổng diện tích cây ăn quả có múi là 6.740 ha, trong đó diện tích cây cam gần 4.200 ha, còn lại là diện tích bưởi các loại. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó có phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Sở, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh gây hại để khuyến cáo nhân dân cách phòng trừ cho hiệu quả, do đó các loại cây ăn quả có chất lượng tốt, dự kiến sản lượng ước đạt 60.000 tấn.
PV: Vậy để việc thu hoạch và tiêu thụ cam, bưởi trên địa bàn phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, huyện đã có phương án, giải pháp nào để giúp người dân tiêu thụ thuận lợi thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng đang có những diễn biến khá phức tạp. Trước tình hình đó, huyện Lục Ngạn xác định sản phẩm cây ăn quả có múi chủ yếu là tiêu thụ quả tươi, trong đó xác định thị trường trong nước vẫn là chính, trong đó tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Để tiêu thụ thuận lợi, huyện đã làm việc với các nhà phân phối, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như: SaiGon.Coop, Happro, Vinmart. Đặc biệt để tiếp nối, phát huy những thành quả tốt đẹp đã đạt được trong chiến lược quảng bá, mở rộng kết nối, UBND huyện đã ban hành thư ngỏ gửi các Sở, ngành tỉnh Bắc Giang, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh quan tâm, giúp đỡ kết nối cùng chung tay đồng hành hỗ trợ nhân dân Lục Ngạn trong tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện năm 2021.
Bên cạnh việc tiêu thụ quả tươi, huyện cũng đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm cây ăn quả có múi bằng các hình thức ép nước đóng lon, sấy khô… nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ.
PV: Được biết năm nay huyện Lục Ngạn không tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng như mọi năm. Vậy huyện có tổ chức hoạt động nào khác không thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi: Huyện Lục Ngạn đã tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện từ năm 2016 đến năm 2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp; năm nay huyện có hình thức đổi mới trong công tác xúc tiến tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá các sản phẩm đến với các doanh nghiệp, đối tác để ký kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Xác định công tác xúc tiến, truyền thông được đặt lên hàng đầu, do đó huyện đã chỉ đạo các nhà vườn, các mô hình sản xuất tiêu biểu chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đón tiếp các thương nhân, doanh nghiệp, các đoàn khách; các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
PV: Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang thu hoạch các loại cam, bưởi. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vậy tiêu thụ cam, bưởi của huyện có gặp khó khăn gì không thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi: Năm nay, sản lượng cây có múi của huyện dự kiến khoảng 60.000 tấn. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch cam lòng vàng với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, bưởi da xanh giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bưởi hoàng giá từ 10.000 - 13.000 đồng/quả. Tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng do công tác xúc tiến tiêu thụ được chuẩn bị chu đáo nên bước đầu sản phẩm cây có múi được tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá cả khá ổn định./.
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)