Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp đã không ngừng nâng cao năng lực dự báo thị trường, làm cơ sở để các huyện, thành phố chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh.

Được biết, để đưa ra dự báo thị trường sát với thực tế, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, phân tích, đánh giá, dự báo về những yếu tố tác động, chi phối đến việc lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân sản xuất các sản phẩm phù hợp, với số lượng hợp lý theo từng vụ cụ thể.

Trên cơ sở đánh giá về năng lực sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích năng lực sản xuất của từng loại sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 10/2021, cụ thể như: Lúa, gạo sản lượng thu hoạch đạt khoảng 232.871 tấn/tháng; thịt các loại sản xuất đạt khoảng 189.493 tấn/tháng; thủy sản sản xuất đạt khoảng 4.500 tấn/tháng; rau, củ, quả các loại đạt khoảng 29.605 tấn/tháng; trứng gia cầm 195.426 nghìn quả. Ngoài ra, sở cũng đánh giá khả năng cung cấp những sản phẩm chính ra các tỉnh ngoài, gồm: gạo khoảng 69.000 tấn/tháng, thịt lợn hơi 6.515 tấn/tháng, thịt gia cầm hơi 1.870 tấn/tháng, Thủy sản các loại 3.700 tấn/tháng, rau, quả các loại khoảng 14.525 tấn/tháng.

 

Nông dân xã Đồng Tâm (Yên Thế) đang chăm sóc đàn gà.

Cùng với đó, sở cũng nhận định, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nên dự báo sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản, nhất là sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các loại rau quả cao cấp đi Nhật Bản, các nước EU... Đồng thời, dự báo nhu cầu tiêu thụ và phục vụ chế biến nội địa có xu hướng tăng. Ngoài ra, sở còn phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: năng lực dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh khó khăn do thời hạn bảo quản, sử dụng của nông sản ngắn; hệ thống kho lạnh, công nghệ bảo quản còn yếu nên các doanh nghiệp không dám mua dự trữ nhiều, giá vật tư thiết yếu đầu vào tăng.

Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu sản xuất lương thực, thực phẩm trong tỉnh, khả năng cung ứng ra tỉnh ngoài và dự báo thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiến hành gieo trồng các loại cây, như: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Đây là các loại cây trồng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như: khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, hành tỏi... Hướng dẫn bà con nông dân trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa vừa thiếu.

Đối với các sản phẩm chăn nuôi, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid 19 tại các tỉnh thành trên cả nước, giá thức ăn chăn nuôi xu hướng vẫn tăng, người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ cùng với yếu tố cầu giảm, thời gian tới việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo trong thời gian tới: Tuyên truyền người chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giữ ổn định đàn lợn, tăng hợp lý đàn gà để chuẩn bị xuất bán trong mùa cưới và phục vụ nhu cầu thực phẩm tết âm lịch Nhâm Dần. Tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, không để dịch lây lan trên diện rộng; khống chế không để dịch tả lợn châu phi tái bùng phát; Tăng cường chế biến, phối trộn nguyên liệu sẵn có, thay thế một phần thức ăn công nghiệp để giảm giá thành chăn nuôi, duy trì sản xuất. Tăng cường tham mưu chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tăng chăn nuôi quy mô trang trại an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết chuỗi khép kín giúp giảm chi phí, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, ổn định sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, ngành nông nghiệp đang tích cực đấu nối, nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp chung của cả nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, khảo sát, theo dõi nhu cầu, sự biến động của thị trường trong và ngoài nước, cập nhật diễn biến tình hình dịch COVID-19, phân tích mức độ và phạm vi ảnh hưởng, từ đó đưa ra các dự báo sát thực về nhu cầu thị trường, làm cơ sở để xây dựng phương án, kế hoạch, định hướng sản xuất nông nghiệp cho các huyện, thành phố trong năm 2022.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/