Thời gian qua, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tập trung nâng cao sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng. Ảnh: BGP/An Nhiên

Mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

Năm 2021, huyện Tân Yên duy trì sản xuất 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 5 ha/vùng trở lên (lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm), quy mô từ 2 ha/vùng trở lên đối với rau quả chế biến. Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng thay thế giống lúa KD18, diện tích 5.722 ha, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng và mô hình tưới nước tự động trên cây ăn quả.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả có giá trị cao, mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cấp mẫu mã bao bì quảng bá, giới thiệu sản phẩm quả. Theo đó, trong năm, huyện trồng mới được 43 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 3.567 ha, trong đó có 2.819 ha cây ăn quả cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 38.960 tấn, giá trị ước đạt trên 550 tỷ đồng. Trong đó, cây vải 1.340 ha, vú sữa 74 ha, cây ổi 263 ha, cây bưởi 705 ha.


Thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng.
Ảnh: BGP/An Nhiên 

Duy trì và mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 1.800 ha; mở rộng vùng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP diện tích 423 ha, trong đó vải sớm 348 ha, ổi 45 ha, bưởi 25 ha, vú sữa 5 ha. Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGap, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Phúc Hòa diện tích 15 ha.

Bên cạnh việc duy trì và mở rộng vùng sản xuất chất lượng cao, huyện Tân Yên cũng chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất đối mã vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước lân cận diện tích khoảng 600 ha. Tăng cường kết nối tiêu thụ vải, các loại nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ thuận lợi.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị


Mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm quả
đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: BGP/An Nhiên

Để duy trì và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng, trong thời gian tới, huyện Tân Yên triển khai thực hiện các chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy trình sản xuất tiên tiến (VietGap, GlobalGap, hữu cơ,..), sản xuất theo chuỗi giá trị và các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục chỉ đạo duy trì sản xuất trên các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết HĐND tỉnh, huyện.

Bên cạnh đó, mở rộng diện tích cây ăn quả, rau quả chế biến, rau quả thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm hàng hóa được công nhận; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy suất nguồn gốc. Quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, vật tư nông nghiệp./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/