Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đi thăm một số vườn cây ăn quả tại huyện Lục Ngạn

Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Lục Ngạn đã và đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó,vải thiều 15.450 ha, sản lượng khoảng 90-100 nghìn tấn/năm; diện tích cam trên 4.100 ha;  cây bưởi hơn 2.250 ha; diện tích táo 527 ha; cây nhãn 825 ha... Hàng năm doanh thu từ cây ăn quả của huyện đạt khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Lục Ngạn chú trọng công tác quản lý thuốc BVTV, phải đúng danh mục mới được phép lưu hành và sử dụng. Cùng đó, huyện phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông ngiệp và PTNT chuyển giao những kỹ thuật sản xuất an toàn đến người dân, xây dựng trang thông tin điện tử chuyên về cây ăn quả, kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn... Nhờ đó, các sản phẩm cây ăn quả của Lục Ngạn vẫn tiêu thụ tương đối thuận lợi và được thương lái vào tận vườn để thu mua với giá bưởi da xanh 40.000 đồng/kg, bưởi ngọt 20.000 đồng/kg, cam lòng vàng, cam ngọt 30.000 - 40.000 đồng/kg, ổi 35.000 đồng/kg. Hiện 95% sản phẩm cây ăn quả có múi được tiêu thụ dưới hình thức bán tươi, 5% qua chế biến, ép đóng lon hoặc sấy khô.

Bên cạnh đó, để đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19  và thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, huyện Lục Ngạn yêu cầu tất cả khách khi đến vườn đều phải khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo vùng xanh cho toàn huyện.

Để gia tăng giá trị cho người dân sản xuất cây ăn quả, huyện Lục Ngạn thúc đẩy việc gắn du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa với tiêu thụ nông sản. Đến nay huyện tổ chức được 5 tua du lịch kết hợp với các vườn cây ăn quả, thành lập 17 hợp tác xã chuyên về du lịch với khả năng lưu trú trong dân được 1.500-1.700 người trong nhà vườn mỗi ngày. Đặc biệt huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với tiêu thụ trong thời gia tới thu hút từ 150-170 nghìn lượt khách du lịch mỗi năm.

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/Năm 2021, sản lượng cây có múi toàn huyện ước đạt 55.400 tấn. Nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, mới đây UBND huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của Bắc Giang” do UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức. Qua hội nghị có 57 hợp đồng ghi nhớ được ký kết, trong đó tập trung chính tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... mở ra triển vọng hợp tác trong việc đưa cam bưởi và các sản phẩm chủ lực khác của Bắc Giang đến với thị trường trong và ngoài nước.

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/