Năm 2021, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

16/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch

Đến nay, huyện có 16/17 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,3%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,9%; công nghiệp, xây dựng tăng 18,7%; dịch vụ - thương mại tăng 11,4%. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn được duy trì và phát triển ở mức khá. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.690 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch, tăng 16,2% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 4.634 tỷ đồng, bằng 99,7% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ. Tiếp tục duy trì sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 5 ha/vùng trở lên (lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm), quy mô từ 2 ha/vùng trở lên đối với rau quả chế biến. Tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả có giá trị cao, mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 2.275 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.435 tỷ đồng, bằng 152,6% so với dự toán, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu thu đạt khá, đảm bảo nguồn ngân sách kịp thời hỗ trợ các đối tượng và tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phát triển toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ


Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

Năm 2022, huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế của huyện theo hướng phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp,.. tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo đó, huyện đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,1%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 26,5%, công nghiệp xây dựng đạt 49,1%, thương mại - dịch vụ đạt 24,4%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 101,5 triệu đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 171 triệu đồng. Có thêm 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 400 tỷ đồng. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 9,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Số lao động được tạo việc làm mới 3.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,03%...

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn huyện đảm bảo an toàn cho phát triển KT-XH trong tình hình mới.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông của tỉnh đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị; thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch thị trấn Cao Thượng, thị trấn Nhã Nam mở rộng và một số khu dân cư tập trung tại các xã theo hướng đồng bộ, hiện đại.


Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao.
Ảnh: BGP/An Nhiên

Cùng đó, huyện triển khai thực hiện các chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy trình sản xuất tiên tiến (VietGap, GlobalGap, hữu cơ,…), sản xuất theo chuỗi giá trị và các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục duy trì sản xuất trên các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp.

Mở rộng diện tích cây ăn quả, rau quả chế biến, rau quả thực phẩm, trang trại vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển chăn nuôi lợn, gà theo hình thức trang trại, gia trại tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong công tác thu ngân sách. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quản lý đất đai trên địa bàn./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/