Khoai sọ là một loại thực phẩm dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon cho bữa ăn của gia đình và có giá trị kinh tế cao. Cây khoai sọ rất dễ trồng nhưng  để đạt năng suất cao thì cần tuân thủ các bước kỹ thuật sau:

1.Chuẩn bị giống:

Chọn những củ giống tốt có khối lượng từ 20-30g, lớp vỏ ngoài có nhiều lông, củ không bị thối. Củ giống tốt nhất khi nó có mầm to bằng hạt đậu đen và vài sợi rễ ngắn khoảng 0,5- 1 cm.

2.Làm đất:

Đất trồng khoai Sọ phải tơi xốp, sạch cỏ. Nên cày ải để 10 – 15 ngày lại cày vỡ và kết hợp bừa vài lượt để đảm bảo yêu cầu, cuối cùng cày luống. Luống thường rộng 1,2 – 1,3m, trồng làm hai hàng, hàng cách hàng 50 – 60cm, cây cách cây 30 – 40cm. Luống khi trồng cao 20 – 30cm. Rãnh giữa hai luống là 30 – 40cm.

3.Thời vụ:

Khoai sọ trồng từ trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 2 năm sau. Thời vụ trồng tốt nhất vào khoảng 20/11 đến hết tháng 12. Trồng muộn quá hoặc sớm quá đều không tốt, cho năng suất thấp.

4.Cách trồng và chăm sóc:

Khoảng cách trồng tối ưu là hàng cách hàng 50 – 60cm, cây cách cây 35 – 40cm. Sau khi lên luống, rạch rãnh hoặc bổ hốc sâu 10 – 12cm, rải lớp phân chuồng đã trộn đều với phân lân, phủ lớp đất mặt dày 2 – 3cm rồi đặt củ đứng theo đúng khoảng cách, mầm hướng lên trên, ấn nhẹ cho củ chặt sát đất. Cuối cùng lấp thêm một lóp đất mặt. Trồng xong phủ lớp rơm rạ giữ cho đất ẩm.

Phân phải được tập trung bón lót từ 1/3 đến 1/2 số lượng phân bón dành cho cả vụ. Phân chuồng bón lót phải thật mục để không làm chết mầm. Phân khoáng (đạm, lân, kali) bón cân đối, tránh tiếp xúc trực tiếp với củ và cây. Khoai Sọ thường không bón sâu vì rễ ăn lên. Không nên bón sát gốc mà bón xung quanh gốc để tránh bị thối củ  
          Lượng bón:  Lượng phân cho 1ha: phân chuồng 10 ~ 15 tấn, đạm Urê: 100 – 200kg; phân sunphat kali: 120 – 150kg (hoặc 55kg sunphat kali + 1.200kg tro bếp); Supe lân 300kg.

+ Cách chăm sóc:

– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + phân lân bón ngay lúc trồng. Phân chuồng trộn đều với phân lân, bón xung quanh giữa hai củ rồi lấp đất.

– Sau khi trồng xong nên phủ rơm rạ để giữ ẩm và hạn chế cỏ. Khi cây bắt đầu mọc xới nhẹ, nhặt cỏ trên mặt kết hợp dặm cây. Khi cây được 3 – 4 lá làm cỏ đợt hai vun gốc kết hợp bón thúc ½ lượng  đạm và vét luống nhẹ.

– Khi cây được 5 – 6 lá làm cỏ đợt ba kết hợp bón thúc kali và ½ lượng đạm còn lạirải cách gốc 10cm. Vét rãnh lấy đất phủ lên mặt luống đã rải phân.

-  Sau trồng tưới nước giữ ẩm đất để mầm nẩy đều, phát triển tốt. Giai đoạn cây khoai đạt 5 – 6 lá cũng cần cung cấp đủ nước giữ ẩm cho cây để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển củ. Vào thời gian thu hoạch, tránh để ruộng bị úng ngập sẽ hạn chế thối củ sau thu hoạch.

+ Phòng trừ sâu bệnh:

- Bệnh khảm lá: Khi phát hiện bệnh này, bạn hãy nhổ bỏ ngay những cây bị bệnh. Sau đó phun thuốc diệt rầy để diệt trừ.

- Bệnh sương mai:Khi phát hiện bênh, bạn dùng những loại thuốc sau để phun lên cây: Boocđô nồng độ 1%, Dacolin 75WP nồng độ 0,2%, Ridomil MZ nồng độ 0,2%, Benlat-C50WP nồng độ 0,15-0,2& hoặc Memody Arobat (20-30g/bình 8 lít).

- Sâu khoang:Loại sâu này xuất hiện khi làm đất không kỹ hoặc vấn đề vệ sinh không được đàm bảo. Do đó, để phòng sâu khoang, bạn nên vệ sinh đồng ruộng, làm kỹ đất trước khi trồng. Quá trình cây sinh trưởng, bạn nên làm cỏ và vun xới gốc thường xuyên. Khi sâu xuất hiện nên dùng bả chua để bẫy bướm.

- Nhện đỏ:Để phòng trừ nhện đỏ, bạn hãy luân canh cây trồng, tưới nước đầy đủ cho cây, hạn chế để ruộng khoai môn bị khô hạn. Nếu bị nhện đỏ tấn công, bạn dùng Oncol 25ND, Trebon 10ND nồng độ 0,1 – 0,2% để tiêu diệt.

- Rệp bông:  Phòng và tiêu diệt rệp bông trên khoai sọ bằng những loại thuốc như: Padan 95EC (0,8 lít/ha), Polytrin 400EC (0,7 lít/ha), Spresis 40EC (1,2 lít/ha), Dipterex các loại thuốc này pha nồng độ 0,2 – 0,3%, Fenbis 25EC, Bassa 50EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,1%, Appland 10WP, Hospan 25ND, Hoppecin 50ND…

5. Thu hoạch:

Khi lá chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột cao, hương vị củ thơm ngon, có thể thu hoạch củ. Vụ thu hoạch chính vào trung tuần tháng 9. Nếu củ dùng làm giống thì phải để thật già mới thu hoạch. Sau khi thu hoạch, củ không cần rửa và đem để nơi khô mát.

          Trên đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai sọ. Chúc bà con trồng thành công./.

BBT