ảnh minh họa
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết trong vụ Đông Xuân năm 2021-2022 bị tác động của biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, có thể đi kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại xẩy ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Để chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho trâu, bò, người dân cần thực hiện phối hợp tổng thể các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi.
Đảm bảo chuồng trại phải được đặt ở nơi cao ráo, gần nguồn nước. Tiến hành vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ. Cửa chuồng hướng về phía nam hoặc tây nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng. Tạo lỗ thoáng trên mái chuồng để khi đốt lửa sưởi, khói ra ngoài tránh cho trâu bò hít phải.
Có thể sử dụng lò đốt ngầm (dưới nền chuồng) tạo rãnh xương cá để sưởi ấm cho trâu, bò. Về vật liệu chống rét, cần phải có rơm, cỏ, bẹ ngô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bao bạt, ni lông để che chắn gió; chăn, bao tải gai để làm áo cho trâu bò.
Việc dự phòng đủ thức ăn là rất quan trọng để đảm bảo cho trâu bò có đủ năng lượng chống lại giá rét. Khi trời lạnh sâu thì khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn của gia súc bị hạn chế, do vậy cần thu hoạch cỏ, rơm khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Một số loại cỏ đã được chuyển giao cho nhân dân sử dụng, đạt hiệu quả cao như VA06, Lông para, Ghinê… Trong giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi vẫn có thể tiếp tục dự trữ nguồn thức ăn thô cho gia súc từ các sản phẩm như rơm khô, rơm ủ, cây ngô, cây chuối, thức ăn ủ chua…
Thực hiện các biện pháp chống rét như sử dụng rơm, cỏ khô, trấu, mùn cưa để lót chuồng. Khi che chắn chuồng trại bằng các tấm phên, bạt không nên che kín mà chỉ che qua chiều cao của trâu bò. Việc cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng được hướng dẫn cụ thể như sau: Vào những ngày bình thường, cho trâu bò trưởng thành ăn khoảng 25 - 30 kg thức ăn thô xanh và 1,5 kg thức ăn tinh, chia làm hai bữa. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì điều chỉnh tăng lượng thức tinh lên khoảng 2 kg, cho ướng nước ấm có pha thêm muối ăn với lượng 5gram/100kg thể trọng/ngày để bổ sung năng lượng giúp trâu bò chống lại giá rét.
Chú ý cho trâu bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu bò sẽ có cảm giác no, sử dụng lượng thức ăn thô ít đi. Ngoài ra thì để tăng sức đề kháng cho trâu bò, bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và sử dụng tảng đá liếm bổ sung khoáng..
Những ngày gió rét từ 13-15 độ C hạn chế chăn thả trâu, bò, cho ăn tại chuồng hoặc cho trâu, bò chăn thả muộn và cho về sớm. Trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài cần đảm bảo đưa ra sau 8 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh và cần được giữ ấm bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài, đặc biệt những gia súc yếu và còn non. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C không chăn thả. Khi xẩy ra rét đậm, rét hại cần đưa trâu, bò về chỗ nhốt có kiểm soát và chuẩn bị đầy đủ thức ăn tinh, khoáng, Vitamin để tăng sức đề kháng, có thể sử dụng các nguồn nhiệt như: Than củi, bóng điện để sưởi ấm. Đảm bảo an toàn cho trâu, bò không bị bỏng, ngạt khói hoặc gây choáng, mặc áo chống rét cho trâu, bò.
Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)