Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 20 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), hằng năm huyện Yên Thế đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời xây dựng và ban hành các kế hoạch, văn bản tập trung chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn. Đặc biệt là nhiều giải pháp đầu tư nâng chất lượng, mẫu mã cho nhóm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, mang “thương hiệu” địa phương đã và đang được triển khai.
Đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm nông nghiệp đã có nhãn hiệu được bảo hộ và quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và 23 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Nhờ đó, những mặt hàng, sản phẩm đặc sản hình thành từ chăn nuôi, trồng trọt được nâng tầm về chất lượng, mẫu mã, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các xã, thị trấn triển khai Chương trình OCOP theo quy mô khác nhau, đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân; Các hoạt động hỗ trợ được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, có chiều sâu, việc lựa chọn đăng ký sản phẩm, đơn vị tham gia đáp ứng yêu cầu, nội dung của Chương trình; Các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng về chủng loại và đều có khả năng phát triển, được chuẩn hóa, nên rất thuận lợi cho việc đánh giá phân hạng sản phẩm; Chủ thể là HTX tham gia chiếm tỷ lệ cao, phù hợp với mục tiêu quan trọng của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và có nhiều thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia Chương trình; Sản phẩm của các đơn vị được khách hàng quan tâm, các nhà phân phối và nhiều đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý.
Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm huyện Yên Thế đã đạt được kết quả khả quan. Toàn huyện đã có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 04 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn như: Gà đồi Yên Thế, Giò gà, Chả gà của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, Chè xanh Bản Ven của HTX Thân Trường,… Ngoài ra, một số sản phẩm tiềm năng như: Cao Cà gai leo, cao xạ đen, cao đinh lăng của HTX Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế; rượu ngô men lá Lộc Sơn, Bánh khảo Mộc Sơn, Rượu thóc men lá của HTX Nông nghiệp Mộc Sơn; Trà cà gai leo túi lọc của HTX Hằng Anh; sản phẩm Dầu thực vật - Dầu lạc Đại An, Dầu mè đen của HTX Nông nghiệp Quang Duy; trà xạ đen Diệp Nhật của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú…
Hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP. HTX có quy mô 20 thành viên với tổng đàn gà bình quân khoảng gần 20 nghìn con; có 87 hộ liên kết sản xuất VietGap, trong đó 55 hộ có chứng nhận VietGap, có hai hộ sản xuất chăn nuôi hữu cơ an toàn với quy mô 3.000/lứa/hộ.
Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là gà lông và gà qua giết mổ, mấy năm gần đây, HTX đã cho ra thị trường một số sản phẩm mới gồm: Giò gà, chả gà và thịt gà đóng túi hút chân không. Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, các mặt hàng này đã được người tiêu dùng chấp nhận và dần khẳng định được chỗ đứng trên một số thị trường như: Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng,… Hằng tháng, HTX xuất bán ra thị trường từ 4 - 6 tấn gà lông, trên 3 tấn gà hút chân không, hơn 1,3 tấn giò và chả gà. Năm 2021, sản phẩm Chả gà của HTX nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao OCOP cấp tỉnh, đồng thời duy trì 2 sản phẩm đã đạt 4 sao từ năm 2019 đó là sản phẩm Gà hút chân không và Giò gà. Ngoài ra sản phẩm Chả gà còn đạt “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021” và sản phẩm Gà đóng gói hút chân không đạt “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021”. Năm 2022, HTX tiếp tục đăng ký 02 sản phẩm 5 sao OCOP là Chả gà và Giò gà.
Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Đến nay nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là: Trung Quốc, Singapore, Lào.
Ông Giáp Quý Cường - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Yên Thế chia sẻ: “Hiện tại HTX đã có 3 sản phẩm là Gà đóng gói hút chân không, chả gà và giò gà đạt OCOP 4 sao. Ngoài những sản phẩm trên thì HTX cũng đang sản xuất một số sản phẩm khác từ gà như: Gà ủ muối hoa tiêu, xúc xích gà. Hướng tới năm 2022, HTX sẽ thi tiếp mấy sản phẩm mới và sẽ nâng cấp lên 5 sao hai sản phẩm là Chả gà và Giò gà”.
Một trong những sản phẩm mới đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021 có sản phẩm Bánh khảo Mộc Sơn, một “sản vật vùng cao” - đặc sản mang truyền thống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Yên Thế từ lâu đời. Qua nghiên cứu, tìm tòi những bí kíp truyền thống của đồng bào dân tộc, HTX Mộc Sơn đã tạo nên những chiếc bánh khảo vừa có độ mịn, xốp, thơm lừng của bột nếp rang, vị ngọt thanh của đường và mật mía, vị ngậy thơm, bùi béo của nhân lạc, tất cả được hòa quyện với nhau tạo nên hương vị đặc trưng khó quên của món bánh cổ truyền này.
Với tâm huyết muốn kế thừa, giữ gìn, phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, HTX nông nghiệp Mộc Sơn đã quyết tâm xây dựng thương hiệu “Bánh khảo Mộc Sơn” như một sản vật vùng cao Yên Thế đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh việc chú trọng cải tiến trong từng khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì thân thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn, sản phẩm “Bánh khảo Mộc Sơn” đã đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021. Đồng thời sản phẩm Rượu thóc men lá Mộc Sơn cũng đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2021.
Bà Trịnh Thị Kim Dung - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh HTX nông nghiệp Mộc Sơn cho biết: “Để đạt tiêu chí đánh giá cho sản phẩm OCOP năm 2021 thì hiện nay chúng tôi chú trọng nâng cao về mặt chất lượng và sản phẩm bánh khảo Mộc Sơn đã đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chí kiểm nghiệm đã được các cơ quan nhà nước kiểm nghiệm và đều đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Tiếp theo chúng tôi đã chú trọng nâng cao, cải thiện về mặt mẫu mã, bao bì nhãn mác và hoàn thiện cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm Bánh khảo Mộc Sơn khi đưa ra thị trường và đưa ra đánh giá phân hạng sản phẩm Ocop đều được hoàn thiện từ mặt bao bì, nhãn mác, tem truy xuất và chất lượng của sản phẩm đều đảm bảo an toàn. Hướng tới năm 2022 và 2025 thì HTX tiếp tục nâng cao chất lượng về sản phẩm, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn 3 sao lên sản phẩm 4 sao”.
Chương trình OCOP thực sự đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn huyện. Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc trưng thế mạnh. Đặc biệt, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, làm theo phong trào.
Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Để tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn lực, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, phát huy tiềm năng thế mạnh thì huyện xác định tập trung: thứ nhất là nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; thứ hai là cải tiến bao bì, mẫu mã, tem nhãn; thứ ba là tập trung tiếp cận mở rộng thị trường sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như sản phẩm Gà đồi Yên Thế, Chè xanh bản Ven và các sản phẩm sơ chế, chế biến dược liệu và các sản phẩm có thế mạnh của huyện”.
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của huyện và hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Phấn đấu năm 2022 phát triển 3-5 sản phẩm mới đạt từ 3 sao trở lên, nâng hạng sao 1-2 sản phẩm OCOP đã được công nhận trong các năm từ 2019 đến 2021; phát triển sản phẩm mới, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm chế biến, chế biến sâu, truyền thống…
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)