Toàn cảnh hội nghị

Sáng 3/12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị trực tuyến Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Minh Quý cùng đại diện các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tham dự.

Theo báo cáo tại hội nghị, vùng Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng 5.731.460 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng toàn quốc. Trong đó rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha, diện tích rừng trồng 7.796 nghìn ha. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng gần 9.500 tỷ đồng/năm. Việt Nam có khoảng 7.000 loài cây thuộc nhóm Lâm sản ngoài gỗ, trong đó có 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu… và hàng trăm loài làm thực phẩm, trong đó miền núi phía Bắc chiếm tới trên 70% tổng số loài thực vật Lâm sản ngoài gỗ và trên 90% các loài Lâm sản ngoài gỗ quý hiếm của cả nước. Một số loài có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị cao là cây quế (diện tích 137.000 ha, sản lượng khai thác ước đạt khoảng 32.000 tấn vỏ khô/năm), cây hồi (diện tích khoảng 60.500 ha, sản lượng ước đạt 24.200 tấn quả khô/năm).... Ngoài ra, trong vùng đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng giá trị của nguyên liệu một số loài lâm sản ngoài gỗ chính ước đạt khoảng 3.361 tỷ đồng/năm…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích giải pháp phát huy giá trị kinh tế dưới tán rừng giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về rừng, các tỉnh cần phát triển và sử dụng bền vững đa giá trị của rừng như: phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị; nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi; tích hợp các giá trị của rừng với các giá trị về văn hóa; xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư...

Theo đó, một số giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng được đưa ra, cụ thể về quy hoạch, Bộ sẽ hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh. Về cơ chế, chính sách sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó; hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Về khoa học công nghệ, nghiên cứu, lựa chọn, cung cấp giống cây rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu... có năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất.

Với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa và nguồn lực, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có đầy đủ các điều kiện và cơ hội để khai thác, biến tiềm năng, lợi thế này của các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng để có những đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, xã hội thông qua sử dụng bền vững đa giá trị của hệ sinh thái rùng.

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/